Theo hai đạo luật vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành và công bố ngày 18/3, các hành vi phổ biến tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng Nhà nước trên mạng (online) sẽ bị phạt nặng.

nga_duuk.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp tại Moskva. Ảnh: AFP.

Đạo luật thứ nhất cấm truyền bá các thông tin giả mạo "có tầm ảnh hưởng xã hội lớn", có nguy cơ gây nguy hại cho cuộc sống của công dân, gây xáo trộn trật tự xã hội quy mô lớn hoặc vi phạm an ninh công cộng.

Theo đó, nếu loan truyền những thông tin không đúng, tạo ra mối đe dọa gây tổn hại đối với tính mạng hoặc sức khỏe của người dân, vi phạm trật tự công cộng, nếu những hành động này không có hình phạt hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 30.000 - 100.000 ruble (khoảng 1600 USD) đối với cá nhân; từ 60.000 - 200.000 ruble đối với quan chức; đối với các tổ chức, mức phạt giao động từ 200.000 - 500.000 ruble.

Trường hợp phổ biến những thông tin giả mạo gây ra sự nhiễu loạn trong hoạt động các công trình bảo đảm đời sống, cơ sở hạ tầng giao thông hoặc xã hội, viễn thông, năng lượng thì mức phạt đối với cá nhân dao động từ 100 - 300.000 ruble, quan chức từ 300.000 - 600.000, trong khi mức phạt đối với các tổ chức được nâng lên mức 500.000 - 1 triệu ruble. Mức phạt tăng lên đối với hành vi phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet những thông tin giả mạo gây ra chết người, làm phương hại sức khỏe hay tài sản, ngừng hoạt động các cơ sở bảo đảm đời sống, hạ tầng giao thông hay xã hội, viễn thông, năng lượng. Trong trường hợp này mức phạt cao nhất lên tới 1,5 triệu ruble (khoảng 22.000 USD).

Đạo luật thứ hai được ông Putin ký ban hành nhằm xử lý các hành vi "xúc phạm các biểu tượng và thể chế Nhà nước". Người vi phạm sẽ bị phạt với mức tối đa là 300.000 ruble (4.500 USD). Đạo luật này xác định trình tự hạn chế tiếp cận “thông tin được thể hiện dưới hình thức khiếm nhã, xúc phạm nhân phẩm và đạo đức xã hội, thiếu tôn trọng xã hội, nhà nước, các biểu tượng nhà nước chính thức của Nga, Hiến pháp Nga hay các cơ quan thực hiện quyền hành pháp nhà nước tại Nga”. Trong trường hợp phát hiện thông tin dạng này, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu áp dụng các biện pháp loại bỏ và ngăn chặn lan truyền. Nếu trong vòng 24 giờ không thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, trang web chứa thông tin vi phạm sẽ bị đóng.

Các nghị sĩ Nga cho biết cơ chế mới trên là cần thiết để đấu tranh chống tình trạng đưa tin thức giả mạo và lạm dụng các bình luận online. Các luật mới cho phép các cơ quan chức năng chặn các trang mạng (webside) nếu không tuân thủ các yêu cầu dỡ bỏ thông tin mà nhà nước đã khẳng định là không đúng sự thật. Theo luật mới, cơ quan công tố có thẩm quyền quyết định mức nguy hiểm mà thông tin online giả mạo gây ra và yêu cầu cơ quan giám sát viễn thông Roskomnadzor hạn chế quyền truy cập các nguồn tin online này.

Các nghị sĩ nhấn mạnh về sự cần thiết của một đạo luật như vậy sau một vụ nổ trước ngày đón Năm mới, làm hàng chục người thiệt mạng ở thành phố công nghiệp Magnitogorsk khi thông tin về vụ việc được phản ánh theo góc độ trái ngược. Trong khi giới chức Nga nói rằng đây là một vụ nổ khí gas, giới truyền thông độc lập lại cho rằng đây có thể là một vụ tấn công khủng bố. Hai tuần sau khi xảy ra vụ việc, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thừa nhận thực hiện vụ tấn công này.

Các luật trên được ban hành ở Nga trong bối cảnh trên thế giới cũng xuất hiện làn sóng tin giả mạo gây ảnh hưởng không nhỏ. Đơn cử tại Pháp, một nghiên cứu công bố ngày 13/3 cho thấy các tin tức không đúng sự thật lưu truyền trong phong trào biểu tình "Áo vàng" đã nhận được hơn 100 triệu lượt xem và 4 triệu lượt chia sẻ trên Facebook. Thực tế này gióng lên một hồi chuông cảnh báo người dùng Internet về tính xác thực của thông tin mà họ nhận được hàng ngày. Hãng thông tấn AFP của Pháp đã ký một thỏa thuận kiểm chứng sự thật với Facebook để xác minh và vạch trần tin tức giả mạo được lan truyền trên mạng, theo đó các bài viết phải được đăng phát trên trang blog Fact Check của AFP trước khi được đăng lên Facebook cho người dùng./.