Ngày 15/6, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Pháp tại Moscow đến để phản đối hành động của cảnh sát Pháp mà Moscow cho là “phân biệt đối xử” với các cổ động viên bóng đá Nga.

Trước đó, cảnh sát Pháp đã bắt giữ một loạt các CĐV quá khích của Nga. Tại Lille, 4 CĐV Nga bị bắt giữ nhưng sau đó đã được thả sau khi uống rượu và lái xe gây nguy hiểm, đồng thời xô xát với CĐV Anh tại trung tâm thành phố Lille vào đêm thứ Ba.

3_isyo.jpg
CĐV Nga tấn công các cổ động viên Anh tại sân Marseille. (Ảnh: Getty)

Một ngày trước đó, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 43 CĐV Nga với cáo buộc gây rối bạo lực tại Marseille trong hai ngày 10 và 11/6, thời điểm diễn ra trận đấu Anh và Nga tại thành phố này. 11 người đã được thả nhưng 32 người khác vẫn đang bị giam giữ tại sở cảnh sát thành phố Marseille.

Một sự việc khiến phía Nga bất bình khác là hàng trăm cảnh sát vũ trang của Pháp đã chặn một xe bus chở hơn 50 CĐV Nga ở Cannes do nghi ngờ trong đó có các hooligan trà trộn. Cho đến thời điểm này, Pháp đã trục xuất nhiều CĐV Nga với lí do gây rối.

Trước hành động cứng rắn của cảnh sát Pháp, chính quyền Moscow cho biết đây là các hành động kỳ thị với CĐV Nga, làm tăng tâm lý chống Nga và có thể làm hạ cấp quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Nga.

Các CĐV quá khích của Nga khuấy động bạo lực tại EURO 2016.

Tuy nhiên, giới chức và truyền thông nước chủ nhà Pháp cũng đang có những phản ứng gay gắt trước sự quá khích và bạo lực của các CĐV Nga. Sau vụ bạo động ngày 11/6 ở Marseille, các quan chức an ninh Pháp đã tố cáo các CĐV Nga là “những kẻ được đào tạo chuyên nghiệp và siêu bạo lực” và đến Pháp với mục tiêu duy nhất là gây rối, tấn công CĐV các đội bóng khác và phá hoại EURO 2016.

Báo chí Anh, nước có đông CĐV bị tấn công nhất cũng lớn tiếng công kích CĐV Nga và cho rằng cảnh sát Pháp cần mạnh tay hơn với CĐV Nga.

Trên thực tế, cuộc chiến giữa các CĐV các nước và cuộc chiến công kích nhau giữa truyền thông Nga và phương Tây rất khó phân biệt đúng hay sai. Ngoài các CĐV Nga thì các CĐV Anh cũng là những người có truyền thống gây rối vào mỗi giải bóng đá lớn.

Chính các CĐV Anh đã gây ra những vụ xô xát bạo lực đầu tiên vào ngày 10/6 tại Marseille với dân bản địa trước khi gây chiến với CĐV Nga. Tại Lille vào đêm 15/6, trước thềm trận đấu giữa ĐT Anh với ĐT Xứ Wales tại Lens gần đó,  các CĐV Anh cũng đã đập phá nhiều quán bar ở trung tâm Lille sau khi uống rượu và lại tiếp tục đụng độ với CĐV Nga.

Cảnh sát Pháp đã bỏ tù ít nhất 2 CĐV Anh với thời hạn 2 và 3 tháng sau các vụ bạo loạn tại Marseille.

Các chuyên gia an ninh nhận định, việc bạo lực gia tăng giữa các CĐV Nga với CĐV các nước châu Âu trong dịp EURO 2016 này không phải ngẫu nhiên. Một mặt, các CĐV quá khích của Nga, được gọi là các ultra cực kỳ bạo lực và chỉ có mục đích gây chuyện với CĐV đối phương khi đi xem bóng đá.

Mặt khác, sự căng thẳng và thù ghét giữa Nga với châu Âu vài năm qua khiến sống lại không khí thù địch Đông và Tây trong quá khứ. Ngoài ra, sự kích động của truyền thông hai bên càng khiến tình hình thêm căng thẳng.

Gánh nặng và sức ép giờ đây dồn hết vào nước chủ nhà Pháp. Các lực lượng an ninh Pháp đang phải hoạt động hết công suất trong thời gian qua khi phải cùng lúc đối phó với 3 nguy cơ lớn: khủng bố, hooligan bóng đá và các cuộc biểu tình bạo lực phản đối dự luật lao động El Khomri.

Tình thế căng thẳng này càng khiến nguy cơ an ninh trong dịp EURO 2016 trầm trọng hơn và có khả năng phá hủy giải đấu./.