Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 23 loại vaccine tiềm năng ngừa Covid-19 đang thử nghiệm trên người trên thế giới; trong đó mới chỉ có 3 loại vaccine đang trong quá trình thử nghiệm ở giai đoạn cuối cùng, trên quy mô lớn.
Trong bối cảnh các nước hợp tác và đua nhau phát triển vaccine Covid-19, hôm qua (16/7), Nga và 3 nước gồm Anh, Mỹ, Canađa đã nảy sinh tranh cãi về việc đánh cắp dữ liệu về các loại vaccine này.
Hôm qua, chính quyền thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) xác nhận, công ty dược phẩm quốc doanh Sinopharm của Trung Quốc đã bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 tại Abu Dhabi với sự tham gia của 15.000 tình nguyện viên.
Theo Ủy ban y tế chuyên trách dịch Covid-19 của UAE, các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm sẽ được theo dõi trong vòng một năm.
Trước đó, vaccine ngừa Covid-19 của công ty Sinopharm, Trung Quốc đã được cấp phép tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối hồi cuối tháng 6 vừa qua. Vaccine của công ty này đã vượt qua các thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2, với kết quả 100% các tình nguyện viên phát triển kháng thể sau khi dùng 2 liều vaccine trong 28 ngày. Lý do UAE được chọn là quốc gia thử nghiệm vaccine là do quốc gia này hội tụ công dân từ hơn 200 nước trên thế giới đến sinh sống và làm việc, với những thể trạng người khác nhau, làm gia tăng tính toàn diện của vaccine.
Trong khi đó, theo kế hoạch, công ty sinh học Moderna của Mỹ cũng sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine ngừa Covid-19 do công ty này đang phát triển vào ngày 27/7 tới. Theo thông báo, Moderna sẽ tuyển 30.000 người tại Mỹ tham gia giai đoạn thử nghiệm này.
Hiện thế giới đang bước vào giai đoạn bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19, với số ca tăng vọt trở lại ở nhiều nước, nhiều khu vực, thì đường đua phát triển vaccine giữa các nước, các công ty lại trở nên gấp rút hơn. Trong bối cảnh như vậy, hôm qua, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh (NCSC) lại đưa ra cáo buộc các tin tặc do chính phủ Nga hậu thuẫn đang cố đánh cắp các dữ liệu về vaccine Covid-19 và các nghiên cứu điều trị từ các tổ chức học thuật và dược phẩm trên khắp thế giới.
Trong một tuyên bố chung, Anh, Mỹ và Canada đã cáo buộc nhóm tin tặc APT29, hay còn gọi là Cozy Bear đã tiến hành các cuộc tấn công này. Tuyên bố khẳng định, nhóm này gần như chắc chắn hoạt động như một phần của cơ quan tình báo Nga.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho rằng, hành động này của phía Nga là hoàn toàn không thể chấp nhận được: “Với các đối tác Mỹ và Canađa, chúng tôi đã đưa ra một tuyên bố cho thấy rằng các cơ quan tình báo Nga đã tiến hành các cuộc tấn công mạng, nhằm mục tiêu vào những nỗ lực của ba quốc gia trong việc tìm kiếm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Tôi nghĩ rằng điều đó thật kinh khủng”
Ông Dominic Raab khẳng định, Anh sẽ làm việc với các đồng minh để bắt thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Ngay lập tức, Văn phòng Tổng thống Nga (Điện Kremlin) đã bác bỏ những cáo buộc nhằm vào Moscow, khẳng định những cáo buộc này không có bằng chứng xác đáng. Trong khi, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng những cáo buộc Nga đánh cắp các dữ liệu vaccine là rất “mơ hồ và mâu thuẫn”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Cáo buộc của Anh rất mơ hồ, mâu thuẫn và không thể hiểu được. Nếu đã đưa ra cáo buộc, hãy trình bày nó 1 cách thuyết phục. Chúng ta sẽ đi đến tận cùng của vấn đề được nêu. Đằng này, Anh không thể đưa ra bằng chứng, song đã nói về các biện pháp đáp trả. Thật vô lý”.
Còn Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Quốc gia Nga Leonid Slutsky thì nhấn mạnh, các cáo buộc của Anh sẽ làm suy yếu mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời cũng gọi những tuyên bố chống lại Nga là hoàn toàn vô lý./.