Hai nước nói trên cũng yêu cầu Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cùng tham gia kế hoạch được đề xuất liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Sáng kiến này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin.
Theo đề xuất chung của Nga và Trung Quốc, cả Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc sẽ cùng có các động thái “nhún nhường” cùng lúc, để từ đó mở đường cho các cuộc đối thoại đa phương.
Phát biểu họp báo chung sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin cho biết: “Trong số các ưu tiên quốc tế, chúng tôi có một giải pháp phức hợp cho các vấn đề trên bán đảo Triều tiên nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài ở Đông Bắc Á.
Chúng tôi đã thúc đẩy một sáng kiến chung dựa trên kế hoạch của Nga và ý tưởng của Trung Quốc về một giải pháp từng bước cho vấn đề Triều Tiên, theo đó cùng lúc dừng các chương trình hạt nhân tên lửa của Triều Tiên cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn”.
Bên cạnh đó, hai bên kêu gọi Mỹ dừng ngay việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc, cho rằng điều này sẽ gây tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực, trong đó có Nga và Trung Quốc.
Hiện chưa rõ Triều Tiên cũng như liên minh Mỹ Hàn sẽ phản ứng như thế nào đối với đề xuất chung của Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên đã bước vào một giai đoạn mới khó dự đoán, đặc biệt là sau khi Triều Tiên tuyên bố loại tên lửa mà nước này đã phóng thử vào sáng sớm hôm qua là tên lửa đạn đạo liên lục địa và có thể nhắm trúng bất cứ đâu trên thế giới, trong đó có cả Mỹ.
Chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Tiến bộ Mỹ Adam Mount cho rằng, Tổng thống Donald Trump có ít lựa chọn tốt để đáp trả lại Triều Tiên. Trong khi đó, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện Lowy tại Sydney, ông EEuan Graham nhận định, một tên lửa đạn đạo liên lục địa là mối đe dọa tới lãnh thổ Mỹ. Đây là một động thái hết sức nguy hiểm có thể dẫn tới việc Mỹ đáp trả mạnh mẽ.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, chính sách ưu tiên cam kết ngoại giao của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dường như khó có thể chấp nhận được đối với Mỹ trong thời gian này, trong khi một cuộc tấn công quân sự vẫn là hành động “không thể biện hộ”. Kết quả có thể sẽ là học cách sống chung với một nước Triều Tiên hung hăng và sở hữu hạt nhân./.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa: Quân Át chủ bài đáng sợ của Triều Tiên