Theo đó, Nga đã đệ trình khái niệm về “an ninh tập thể” cho vùng Vịnh, dựa vào một chương trình mang tính xây dựng, thống nhất với mục tiêu tạo ra các cơ chế phản ứng tập thể trước những thách thức và mối đe dọa liên quan tới các nước vùng Vịnh, gồm cả Iran. Trước đó, từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Nga đã bắt đầu phát triển khái niệm “an ninh tập thể” ở vùng Vịnh.  

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, các bước đi nhằm thực hiện ý tưởng “an ninh tập thể” tại vùng Vịnh cần có sự tham gia của các nước vùng Vịnh, các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Arab, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cũng như các bên liên quan khác. Ngoại trưởng Nga đề nghị bước khởi đầu là đối thoại với sự quan tâm đến lợi ích của tất cả các bên, dựa trên luật lệ quốc tế.

Ông Sergei Lavrov đánh giá, việc hiện thực hóa ý tưởng hệ thống “an ninh tập thể” tại khu vực vùng Vịnh không dễ dàng và trước hết, các nước vùng Vịnh  phải tự hành động để đạt mục tiêu này.

Theo Ngoại trưởng Nga, tình hình vùng Vịnh đang ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ quốc tế và có thể trở nên nguy hiểm, khó dự báo. Ông Sergei Lavrov cho rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn là một công cụ chính trị, ngoại giao quan trọng để ngăn ngừa căng thẳng leo thang tại khu vực vùng Vịnh./.