Quy chế miễn thị thực cho công dân Ukraine của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực từ ngày 11/6 là sự mở đầu tốt đẹp nhất trong mối quan hệ EU với Ucraina trong thời gian qua.

eu_ukraine_yxuo.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: armenianow.com)

Ngày 20/6, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự ủng hộ đối với một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại miền đông Ukraine. Tuy nhiên, tất cả cũng mới chỉ tồn tại ở những lời cam kết.

Trên thực tế, chưa lúc nào như bây giờ, Mỹ và châu Âu cảm thấy hoài nghi về những lời cam kết từ phía chính phủ Ukraine trong tiến trình cải cách kinh tế và chính trị. Thậm chí, phương Tây cho rằng trong tương lai, họ sẽ lại phải gồng mình để viện trợ thêm tài chính cho Kiev và lo sợ mối quan hệ căng thẳng với Nga tái bùng phát.

EU không dễ dàng buông tay với Ukraine, nhưng cũng không còn đủ kiên nhẫn để "nuôi dưỡng" một Ukraine đang ngày càng lún sâu vào xung đột cũng như kinh tế bên bờ phá sản. Thỏa thuận liên kết kinh tế có thể là lối thoát cho chặng đường viện trợ tài chính của EU, nhưng lại có thể là ngõ cụt cho nền sản xuất của Ukraine. Trong khi đó, hòa bình cho vùng Donbass để EU sớm thoát khỏi đối đầu với Nga chưa có dấu hiệu sớm được tái lập.

Trong bối cảnh đó, hòa bình cho cuộc xung đột tại miền đông Ukraine, đặc biệt là thỏa thuận liên kết kinh tế giữa EU với Ukraine sẽ là nội dung chính của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 giữa Liên minh châu Âu và Ukraine.

Ngoài ra, những tiến bộ của Ukraine trong công cuộc cải cách, những vấn đề nóng của thế giới và khu vực cũng sẽ được đề cập trong cuộc gặp mặt chính thức vào ngày hôm nay (13/7).

Trước khi Hội nghị thượng đỉnh này diễn ra, Hội đồng châu Âu đã thông qua Hiệp định liên kết EU – Ukraine, cũng như để ngỏ cánh cửa kết nạp Ukraine vào khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Từ trước đến nay, Nga không bao giờ chấp nhận việc Ukraine xích lại gần EU. Vì thế, Nga được cho rằng sẽ có những "lá bài" để hạn chế sự xích lại gần EU của Ukraine.

Việc Ukraine xích lại gần EU sẽ thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO và đó là một thách thức, đe dọa lớn đối với an ninh của Nga. Và Nga đang quyết liệt hành động để hạn chế tối đa những bất lợi này cũng là điều dễ hiểu.

Điều này đã được Nga công khai thể hiện trong Thỏa thuận Minsk-2 với việc hạn chế tầm ảnh hưởng của Ukraine đối với các vùng có tầm ảnh hưởng của Nga ở khu vực miền Đông Ukraine và giáp giới phía Tây – Nam của Nga.

Trong khi đó, Đạo Luật của Ukraine "Về qui định tạm thời tự quản địa phương ở các khu vực nhất định thuộc tỉnh Donhesk và Lugansk"… đã trao quyền độc lập tự trị nhiều hơn cho Donhesk và Lugansk.

Do đó, việc trao quyền độc lập tự trị nhiều hơn cho Donhesk và Lugansk sẽ là đảm bảo cuối cùng mà Nga không thể bỏ qua để hạn chế NATO tiến sát đến biên giới Nga. Tuy nhiên, cho đến nay thỏa thuận Minsk-2 vẫn còn nằm trên giấy, nên việc Nga hỗ trợ cho quyền độc lập tự trị của Donhesk và Lugansk là bước đi tất yếu.

Việc Ukraine "phong tỏa" Donbass chỉ khiến khu vực này ngày càng xích lại gần hơn với Nga cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp năng lượng và luyện kim của Ukraine. Như vậy, hòa bình cho miền đông nam Ukraine cũng như phục hồi nền kinh tế Ukraine sau hội nghị thượng đỉnh EU – Ukraine khó có thể trở nên sáng sủa./.