Tổng thống Nga Putin mới đây khẳng định, sẽ không có chuyện nước này bị cô lập trên trường quốc tế vì những trừng phạt của phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Cùng với đó, châu Âu cũng phải thừa nhận những hậu quả nghiêm trọng từ chính những biện pháp trừng phạt này.

Hôm qua, tại thủ đô Berlin, Đức, Thủ tướng Angela Merken một lần nữa nhấn mạnh rằng, các trừng phạt nhằm vào Nga sẽ là điều “không thể tránh khỏi”. Tuy nhiên, bà Merken cũng thừa nhận các trừng phạt kinh tế này cũng gây thiệt hại cho chính châu Âu:

“Chúng tôi vẫn đang làm việc để giải quyết vấn đề Ukraine. Tôi nhắc lại một lần nữa rằng những nỗ lực không mệt mỏi để tìm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine vẫn chưa mang lại kết quả. Trừng phạt kinh tế là cần thiết, kể cả khi tôi biết rằng trừng phạt cũng gây tổn thất với nền kinh tế của Đức và châu Âu”.

Nền kinh tế Nga có thể sẽ thiệt hại hàng chục tỷ đôla do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Đây là nhận định của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov vài ngày trước đây. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, quốc phòng và tài chính, khiến kinh tế Nga gặp khó khăn và đồng rúp liên tục rớt giá.

Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu mỏ - hàng hóa xuất khẩu chủ chốt của Nga - đã giảm mạnh tới 30%. Tuy vậy, Tổng thống Nga Putin vẫn khẳng định, Moscow sẽ không bị cô lập trên trường quốc tế. Tổng thống Putin đồng thời bác bỏ nguy cơ về “những hậu quả thảm khốc” đối với nền kinh tế Nga do những biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo, Nga không phải là nước duy nhất chịu tác động tiêu cực từ những trừng phạt và trong trường hợp giá dầu bị giảm một cách có chủ ý.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergei Naryshkin hôm qua cũng nhận định, nỗ lực cô lập Nga của Phương Tây đã bị thất bại. Những kẻ thực hiện ý đồ này đang muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để làm “xáo trộn” tình hình thế giới. Các nỗ lực ngoại giao quốc tế đang bị cản trở bởi những lệnh trừng phạt.

Bản thân các nước phương Tây, đặc biệt là Châu Âu cũng đang chịu tác động ngược lại. Khối này đã thiệt hại 6,6 tỷ USD sau 1 tháng ngấm đòn trả đũa từ Nga, với nền kinh tế hàng đầu Đức cũng nằm trong số các nước chịu thiệt hại nặng nề nhất. Các nền kinh tế thứ 2 và thứ 3 châu Âu như Pháp và Italy cũng liêu xiêu vì lệnh cấm của Nga.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đang leo thang lên một giai đoạn mới, khi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu vừa thông báo sự xuất hiện của các trang thiết bị quân sự hạng nặng của chính phủ Ukraine tại vùng chiến sự miền Đông, điều đi ngược lại với thỏa thuận hòa bình Minsk.

 Lực lượng đối lập miền Đông Ukraine đã kêu gọi Liên hợp quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực này để giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn cũng như giải quyết vấn đề nhân đạo và xã hội sau cuộc xung đột nhiều tháng qua. Lời kêu gọi này đưa ra trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao đều không có tác dụng hạ nhiệt cuộc khủng hoảng và xung đột tại Ukraine./.