Trong ngày hôm qua (3/11), cả 2 bên đều cho lưu hành một bản dự thảo nghị quyết liên quan tới hoạt động của nhóm điều tra vũ khí hóa học tại Syria. Những tranh cãi cũ giờ lại nổi lên mạnh mẽ cho thấy cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này vẫn chưa thể đi tới hồi kết.

dai_su_anh_hocz.jpg
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Matthew Rycroft (ảnh) chỉ trích mạnh mẽ bản dự thảo của Nga. Ảnh: UNA-UK.

Hiện nay tại Liên Hợp Quốc đang lưu hành 2 bản dự thảo nghị quyết, một do Nga đề xuất và 1 của Mỹ liên quan tới vấn đề liệu có nên gia hạn sứ mệnh điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hay không.

Năm 2015, cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc và Tổ chức cấm vũ khí hóa học, gọi chung là Cơ chế điều tra chung nhận được sự nhất trí của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và năm 2016, hoạt động của cơ chế này được kéo dài thêm 1 năm. Trong báo cáo mới nhất công bố hôm 19/10, sứ mệnh này được gia hạn đến giữa tháng 11/2017. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu hôm 24/11, Nga và Bolivia đã phủ quyết việc kéo dài này, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Tháng 10/2016, Nga cũng bác bỏ kết luận của một ủy ban điều tra Liên Hợp Quốc tố cáo quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học giết hại người dân. Theo phía Nga, hoạt động của cơ chế điều tra này là không công bằng.

Ông Mikhail Ulyanov, Giám đốc Cơ quan kiểm soát và không phổ biến vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Tất nhiên, chúng tôi hi vọng vào cơ chế điều tra chung của Liên Hợp Quốc và cũng hi vọng sự phối hợp chặt chẽ của chúng ta với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học Liên Hợp Quốc có thể đảm bảo sự công bằng tuyệt đối và tính chuyên nghiệp cao trong việc tra nhằm xác định thủ phạm thực sự thông qua những bằng chứng rõ ràng. Tuy nhiên, sự mong đợi của chúng tôi đã không được đáp ứng.”

Trong thông cáo phát đi hôm qua, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Matthew Rycroft tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ bản dự thảo của Nga cho rằng, nỗ lực của nước này là nhằm làm mất uy tín của một nhóm chuyên nghiệp, độc lập và vô tư, đồng thời kêu gọi toàn thể các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng ý gia hạn sứ mệnh điều tra của nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc và Tổ chức cấm vũ khí hóa học.

Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng kêu gọi kéo dài sứ mệnh của nhóm chuyên gia. Theo bà, nếu yêu cầu bị bác bỏ, thì sẽ không còn công cụ độc lập và vô tư nào để xác định trách nhiệm của các bên trong những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tai Syria.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải gia hạn sứ mệnh của cơ chế điều tra phối hợp với Liên Hợp Quốc và Tổ chức cấm vũ khí hóa học này nhằm ngăn ngừa việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột tại Syria.

Hai bản dự thảo nghị quyết được lưu hành tại Liên Hợp Quốc liên quan tới sứ mệnh của các nhà điều tra vũ khí hóa học hoàn toàn đối nghịch nhau về nội dung.

Văn kiện do Nga đề xuất kéo dài sứ mệnh này thêm 6 tháng, trong khi của Mỹ là 2 năm. Nga cũng yêu cầu hủy bỏ bản báo cáo mới đây nhất cáo buộc chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 4/4 tại nước này làm hơn 80 người chết. Còn trong dự thảo nghị quyết của mình, Mỹ ngược lại nhấn mạnh mối lo ngại sâu sắc về bản báo cáo này và một lần nữa khẳng định sự  ủng hộ của Hội đồng Bảo an với nhóm chuyên gia được thành lập từ năm 2015 này.

Theo các nhà phân tích, dù không thể xác định liệu sứ mệnh điều tra quốc tế về sử dụng vũ khí hóa học tại Syria có độc lập và vô tư hay không, song rõ ràng, cuộc chiến giữa Nga và các nước phương Tây liên quan cuộc khủng hoảng hoảng Syria vẫn chưa thể lắng dịu. Báo chí phương Tây vẫn luôn nói hơn 6 năm cuộc nội chiến Syria, song thực tế lại cho thấy, đây không còn đơn thuần là một cuộc nội chiến, mà đã trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, hay noi cách khác là cuộc chiến tranh qua tay người khác. Có nghĩa nó không chỉ là cuộc chiến giữa những người Syria với nhau, mà còn rất nhiều lực lượng khác từ bên ngoài tham gia vào, cả về chính trị và quân sự, về con người và vũ khí đạn dược. Đây cũng chính là lý do khiến cuộc chiến này chưa thể đi tới hồi kết./.