Theo ông Lavrov, các cuộc đàm phán cần phải nhắm đến việc đạt được sự đồng thuận về việc ai sẽ đại diện cho phe đối lập tại Syria và bên nào sẽ bị coi là các lực lượng cực đoan.
Từ trái sang: Ngoại trưởng Nga Lavrov, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria de Mistura và ngoại trưởng Mỹ Kerry tại vòng đàm phán Vienna ngày 30/10 vừa qua. Ảnh AP |
Trước đó, tại vòng đàm phán đầu tiên tại Vienna ngày 30/10, Mỹ, Nga, Iran và nhiều quốc gia khác đã chấp thuận việc cần phải nỗ lực tìm ra một giải pháp hòa bình có sự tham gia của Chính phủ và lực lượng đối lập tại Syria. Các bên cũng không đề cập đến thời điểm ông Assad phải từ bỏ quyền lực.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết, “vẫn còn rất nhiều việc hậu trường” phía sau cuộc đàm phán sắp tới và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry “đang rất nỗ lực để thúc đẩy tiến trình này”. Tuy nhiên, theo ông Hammond, các bên không được phép đánh giá thấp “những thách thức liên quan đến vấn đề Syria”.
Theo ông Hammond, khác biệt căn bản giữa Anh, Mỹ và các nước phương Tây với Nga và Iran là ở chỗ, trong khi Anh, Mỹ và các nước phương Tây cho rằng, ông Assad phải rời bỏ vị trí Tổng thống của mình để dọn đường cho một tiến trình chuyển giao quyền lực thì Nga và Iran lại tin rằng, ông Assad hoàn toàn có đủ khả năng tham gia vào một cuộc bầu cử trong tương lai và nếu cuộc bầu cử đó cho thấy ông Assad phải ra đi thì ông ấy sẽ chấp nhận điều này”.
Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng, một số bên tham gia vòng đàm phán ngày 30/10 đã hối thúc việc ông Assad phải ra đi thay vì cần phải bàn đến việc những phe phái nào tại Syria có thể tham gia đàm phán.
Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng kêu gọi mở rộng số lượng các bên tham gia đàm phán trong vòng đàm phán tại Vienna tới và nhấn mạnh, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Liên đoàn Arab cũng nên được mời tham dự.
Tuy nhiên, ông Hammond đã phản bác quan điểm này: “Chúng tôi không tin rằng chúng tôi có thể đưa được các phe phái đối lập tham gia vào tiến trình chính trị tại Syria và đạt được một lệnh ngừng bắn thực chất cho đến khi chúng tôi có thể biết rõ thời điểm ông Assad phải ra đi trong tiến trình chuyển giao quyền lực”.
Tuyên bố chung sau cuộc đàm phán ngày 30/10 đã vạch ra một lộ trình tiến đến hòa bình tại Syria, trong đó có việc hình thành một chính phủ chuyển tiếp có đủ quyền lực “dựa trên sự nhất trí của các bên” nhằm hướng tới một cuộc bầu cử tại quốc gia Trung Đông này.
Tuyên bố cũng yêu cầu Liên Hợp Quốc làm trung gian tổ chức một cuộc họp giữa đại diện Chính phủ và phe đối lập tại Syria vì “một tiến trình chính trị hướng tới một chính phủ đáng tin cậy, không bè phái nhằm hướng tới việc tổ chức các cuộc bầu cử và thiết lập một Hiến pháp mới ở nước này” dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Syria Staffan de Mistura, người đang nỗ lực thiết lập các nhóm công tác để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán, sẽ báo cáo trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tiến trình này vào chiều 10/11 (giờ địa phương)./.