Theo RT, tại phiên họp của Liên Hợp Quốc về nhân quyền ngày 3/3, ông Lavrov giải thích rằng việc đưa quân trên nhằm ngăn chặn những kẻ quá khích sử dụng bạo lực tại Ukraine cũng như giúp hoà giải sắc tộc tại quốc gia Đông Âu này.

Ngoại trưởng Nga cũng bác bỏ những diễn giải của các nước phương Tây rằng việc Nga đưa quân sang Ukraine là hành động xâm phạm nhân quyền. Ông cũng kêu gọi phương Tây ngừng việc sử dụng chiêu bài nhân quyền để theo đuổi những lợi ích địa, chính trị của riêng họ.

lavrov_copy.jpg
Ngoại trưởng Nga tại phiên họp (Ảnh RT)

“Tôi nhắc lại rằng chúng tôi đến đây nhằm thảo luận về việc bảo vệ các công dân và đồng bào của chúng tôi, về việc bảo đảm các nền tảng cơ bản nhất của quyền con người là quyền được tồn tại. Ngoài ra không có gì khác nữa”, ông Lavrov tuyên bố.

“Những kẻ cố tình suy diễn việc này (Nga đưa quân vào Ukraine) là hành động xâm lược và đe doạ trừng phạt và tẩy chay chúng tôi cũng chính là đồng đảng của những kẻ đã luôn khuyến khích các thế lực gần gũi với chúng đưa ra các tối hậu thư, bác bỏ việc đối thoại, phớt lờ sự lo lắng của người dân ở các vùng phía Đông và phía Tây Ukraine và luôn tìm cách gây chia rẽ, phân cực trong xã hội Ukraine”, ông Lavrov khẳng định.

Ngoại trưởng Nga cũng tuyên bố Nga sẽ không sử dụng lực lượng quân sự của mình nhằm trục lợi thông qua việc bảo vệ nhân quyền.

“Việc can thiệp bằng vũ lực dựa trên chiêu bài bảo vệ dân thường sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương sâu sắc những người yêu hoà bình và tước bỏ của họ quyền cơ bản nhất của con người-quyền được tồn tại”, ông Lavrov nói.

Ngoại trưởng Nga cho biết quan điểm của Nga về vấn đề Ukraine là Chính phủ tự tuyên bố thành lập tại Kiev phải tuân thủ các điều khoản mà Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovich và phe đối lập cùng với các Ngoại trưởng Đức, Pháp và Ba Lan ký ngày 21/2.

“Phe đối lập tại Ukraine đã không hành động gì. Những kẻ vũ trang trái phép đã không bị trừng phạt, những toà nhà Chính phủ và đường phố tại Kiev không được giải phóng và những kẻ quá khích vẫn kiểm soát các thành phố tại Ukraine. Thay vì việc cam kết thành lập một Chính phủ thống nhất dân tộc thì một Chính phủ của những kẻ chiến thắng đã được thành lập”, ông Lavrov nêu rõ.

Ông Lavrov cũng kêu gọi Kiev tiến hành các cuộc cải cách Hiến pháp, trong đó có sự tham dự của đại diện đến từ tất cả các khu vực của Ukraine. Việc cải cách này phải được chấp thuận thông qua một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc.

Ngay sau khi ông Yanukovich bị phế truất, Quốc hội do phe đối lập kiểm soát tại Ukraine đã chỉ định một Chính phủ mới.

Ngay lập tức, người dân ở 10 khu vực tại Ukraine đã tổ chức biểu tình với quy mô lớn nhằm phản đối những gì đã diễn ra tại thủ đô Kiev.

Một vài khu vực, trong đó có Crimea, đã tuyên bố họ sẽ không tuân lệnh chính quyền mới và sẽ thay thế những lãnh đạo địa phương được Chính phủ chỉ định bằng những đại diện được dân bầu./.