Moscow đã lên án hãng tin Reuters về một bản báo cáo “độc quyền” của họ mà trong đó hãng thông tấn này đã bỏ qua một tuyên bố chi tiết từ phía Bộ Ngoại giao Nga. Trong báo cáo này, Reuters đã nghiêng về một “bản dự thảo” lấy của một nguồn giấu tên cùng các bình luận của các quan chức cũng giấu tên.

phat_ngon_vien_nga_zakharova_arbp.jpg
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Zakharova. Ảnh: RIA.

Trong báo cáo “độc quyền” xuất bản vào ngày 10/11, Reuters tuyên bố họ có được một “dự thảo” kế hoạch của Nga về một “tiến trình cải cách hiến pháp kéo dài tới 18 tháng”, được chuẩn bị cho các cuộc họp đa phương về Syria vào tuần này.

Hãng thông tấn Reuters đã đề nghị phía Bộ Ngoại giao đưa ra bình luận, và đã nhận được bình luận này nhưng cuối cùng hãng lại quyết định không đưa bình luận đó vào trong bản báo cáo nói trên.

Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói với các phóng viên vào hôm 12/11: “Hãng thông tấn thực sự có liên lạc với chúng tôi trước khi viết tin đó. Các phóng viên [của Reuters] thường trú ở Nga đã nhận được các bình luận [của phía chúng tôi] rằng thông tin đó không phản ánh thực tế”.

Bộ Ngoại giao Nga xác nhận với Reuters rằng Moscow có liên hệ và tham vấn với các đối tác của mình nhưng nhấn mạnh rằng “chắc chắn” không có một loại dự thảo nào như đề cập.

Bà Zakharova nói: “Sau một tiếng rưỡi đồng hồ, bản báo cáo tin tức đó đã được xuất bản mà không có bình luận tương ứng từ phía Bộ Ngoại giao Nga, và nó đã được phát hành rộng rãi trên các phương tiện truyền thông thế giới”.

Bà Zakharova nhấn mạnh thêm, đã vậy Reuters còn không ngần ngại trích dẫn một số “nguồn tin giấu tên” của họ.

Nữ phát ngôn viên kết luận, vậy là “hãng thông tấn có lịch sử lâu đời này đã lựa chọn việc xuất bản tin tức từ góc nhìn của các nguồn tin giấu tên, trong khi họ đã nhận được bình luận chính thức từ Bộ Ngoại giao Nga”.

Bộ Ngoại giao Nga đã phải ép hãng thông tấn Reuters đưa tuyên bố chính thức của Nga vào trong bản tin. Cuối cùng Reuters đã đưa nội dung đó vào trong sản phẩm báo chí của mình trong bản cập nhật thứ 3 được gửi cho các khách hàng đăng ký mua tin bài của Reuters, vào thời điểm gần như 4 tiếng đồng hồ sau khi bản đầu tiên được xuất bản.

Bà Zakharova nói: “Thế đấy, giờ thì không ai quan tâm vì “tin tức giật gân quốc tế” đó đã lan rộng ra khắp nơi”.

Khi được hỏi về chuyện bỏ qua tuyên bố của Nga, các đại diện của Reuters ở Moscow đã chỉ tay sang các đồng nghiệp ở London.

Bà Zakharova chất vất: “Tôi có một câu hỏi dành cho Reuters – cơ quan có chừng khoảng 50 phóng viên thường trú ở Moscow: Các vị có phải là nhà báo thực sự hay không? Nếu các vị không làm việc và không phản ánh các bình luận của Moscow, nếu mọi thứ của các vị đã được viết sẵn ở London thì các vị đang làm gì ở Moscow với số lượng lớn như vậy?”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ ra rằng bản báo cáo gây tranh cãi nói trên xuất hiện cùng lúc với sáng kiến của Washington tổ chức 3 “nhóm công tác” về Syria ở Vienna vào các ngày 12-13/11. Nga được thông báo về “sáng kiến” này thông qua một email từ đại sứ quán Mỹ. Điều này gây bất ngờ cho Nga vì sáng kiến đó chưa bao giờ được đưa ra thảo luận với Moscow./.