Cuộc diễn tập ngày 16/3 là một trong những đợt phô diễn lực lượng quân sự lớn nhất của Nga kể từ khi mối quan hệ với phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh.
Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin ngày 16/3, chỉ thị tiến hành kiểm tra đột xuất và toàn diện khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Phương Bắc cùng các đơn vị thuộc Lực lượng đổ bộ đường không và Quân khu miền Tây của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, đợt kiểm tra đột xuất này nhằm đánh giá khả năng tác chiến của Hạm đội Phương Bắc trong việc đảm bảo an ninh quốc gia của Nga tại Bắc cực. Theo ông Shoigu, những thách thức và mối đe dọa mới đối với an ninh-quốc phòng Nga đòi hỏi lực lượng vũ trang Nga phải nâng cao hơn nữa khả năng tác chiến.
Ngoài ra, ông Shoigu một lần nữa nhấn mạnh đến việc thành lập các đơn vị chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của Nga từ hướng Bắc. Lệnh của Tổng thống Putin đưa ra khi nước láng giềng Na Uy-một thành viên của NATO, bắt đầu cuộc diễn tập “Joint Viking” với sự tham dự của 5.000 binh lính tại khu vực sát biên giới với Nga.
Trong khi đó, các cuộc tập trận qui mô lớn khác của Nga cũng diễn ra trên nhiều vùng lãnh thổ Liên bang, trong đó có bán đảo Crimea. Hơn 2.000 binh sĩ và 500 đơn vị vũ khí đã được huy động vào cuộc tập trận kéo dài hơn 1 tháng. Đáng chú ý, binh sĩ và khí tài quân sự thuộc các căn cứ của Nga ở Acmenia, Abkhazia và Nam Ossetia và đặc biệt là ở bán đảo Crimea cũng tham gia vào cuộc tập trận này.
Cũng tại Biển Đen, NATO đang tiếp tục cuộc tập trận hải quân chung qui mô lớn nhất, với sự tham gia của binh lính Bungary, Rumania và Thổ Nhĩ Kì, gần bán đảo Crimea. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình cuối tuần qua, Tổng thống Nga Putin cho biết, ông từng sẵn sàng đặt lực lượng hạt nhân nước này ở trong tình trạng báo động khi lên kế hoạch sáp nhập Crimea hồi năm ngoái.
Ông Putin nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng đặt lực lượng hạt nhân trong tình trạng chiến đấu. Tôi đã có các cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo khác và khẳng định rõ rằng, Crimea là lãnh thổ lịch sử của Nga, người dân Nga sống ở đó, họ đang bị nguy hiểm và chúng tôi phải bảo vệ họ”.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh, sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. NATO đã đình chỉ các mối quan hệ với Nga, đồng thời thông báo trong năm 2015 sẽ đẩy nhanh quá trình thành lập lực lượng phản ứng nhanh, gồm 5.000 quân triển khai ở các nước đồng minh phía Đông như Ba Lan và các nước Baltic.
Bất chấp việc tình hình miền đông Ukraine có nhiều cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng việc NATO triển khai quân, vũ khí rầm rộ cùng hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn ở sát biên giới khiến Nga không thể ngồi yên.
Nga cho rằng, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường các cuộc tập trận gần biên giới với Nga chỉ làm cho tình hình khu vực Đông - Bắc châu Âu trở nên bất ổn và gia tăng căng thẳng./.