Diễn biến này đã cắt đứt những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai bên và đẩy mối quan hệ này xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.

Sau khi chiến lược có tên gọi “Khái niệm Răn đe và Bảo vệ ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương” nhằm đối phó với các cuộc tấn công đồng thời nhắm vào vùng Baltic, biển Đen bằng vũ khí hạt nhân, tấn công mạng máy tính và tấn công từ không gian được thông qua, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho rằng, đây là một phần trong nỗ lực “tiếp tục tăng cường khối đồng minh bằng những kế hoạch hiện đại hóa và tốt hơn”. Ông nói thêm rằng “mối quan hệ giữa NATO và Nga đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và lý do chính là ở hành vi của Nga.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói: “Cách tiếp cận của NATO đối với Nga vẫn giống như trước đây, nghĩa là răn đe và phòng thủ đáng tin cậy kết hợp với nỗ lực đối thoại có ý nghĩa với Nga, nhưng tất nhiên điều này trở nên khó khăn hơn do Nga quyết định đóng cửa các văn phòng NATO ở Moscow. Và tôi nghĩ rằng chúng ta cũng phải hiểu rằng mối quan hệ giữa NATO và Nga hiện đang ở mức thấp. Mối quan hệ này đã  khó khăn hơn nhiều kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc".

Phía Nga đã chỉ trích chiến lược mới của NATO, nói rằng, mối quan hệ giữa hai bên thực chất “đang ở trạng thái tệ hại hơn bất cứ thời điểm nào trong những ngày đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh.”. Điều này cho thấy không còn triển vọng phục hồi mối quan hệ với khối NATO.

Người phát ngôn Điện Kemlin Peskov nói: “Không cần thiết phải đối thoại dưới những điều kiện như vậy. NATO chấp nhận một khái niệm như vậy một lần nữa đã xác nhận điều đó. Khối liên minh này không được tạo ra vì hòa bình, mà được thiết kế và tạo ra để phục vụ cho xung đột".

Về phần mình, hôm qua Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cáo buộc NATO đang dần tập hợp lực lượng gần biên giới Nga và không sẵn sàng thảo luận với Nga theo các điều khoản bình đẳng về vấn đề an ninh châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng lấy dẫn chứng về việc NATO đã thực hiện kế hoạch răn đe tại Afghanistan, với kết thúc là một thảm họa mà thế giới đang phải hứng chịu.

Đây là những diễn biến mới nhất cho thấy mức độ căng thẳng giữa NGA và NATO trong suốt thời gian qua. Trong thời gian qua, cả NATO và Nga đều đẩy mạnh việc thiết lập vùng đệm ở biên giới của nhau bằng cách tăng cường hợp tác với các nước liên quan. Trong khi NATO gia tăng hỗ trợ và thúc đẩy kết nạp Ukraine vào khối này, hành động mà Nga xem là “lằn ranh đỏ”, Nga lại có những động thái nhằm thắt chặt quan hệ quốc phòng với Belarus. Trước đó hồi tháng 4, căng thẳng leo thang đến mức khiến nhiều người lo sợ về một cuộc xung đột tại châu Âu khi Nga điều quân ồ ạt đến biên giới Ukraine, trong khi NATO triển khai lực lượng đến biển Đen để tập trận.

Theo nhận định của giới chuyên gia, mặc dù những động thái này của cả hai bên gây nhiều lo ngại nhưng cả Nga và NATO đều không muốn đi đến một cuộc xung đột phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân hay mở rộng nó ra quy mô toàn cầu. Điều này đe dọa không chỉ lợi ích và an ninh của Nga mà còn cả các nước NATO trong khu vực châu Âu.  Điều quan trọng là cả Nga và NATO cần phải kiểm soát tình hình để giảm những tính toán và hành động sai lầm, có thể kéo hai bên vào vòng xoáy xung đột mới./.