Hội nghị an ninh Munich đang diễn ra ở Đức tiếp tục trở thành một diễn đàn tranh cãi đầy căng thẳng giữa các nước lớn về nhiều vấn đề của thế giới.

nga_nato_bxmt.jpg
Ngoại trưởng Nga Lavrov (phải) và ông Stoltenberg khi làm Thủ tướng Na Uy. Ảnh: Sputnik.
Đáng lưu ý là cuộc khẩu chiến giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi NATO quyết định thông qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu mới đây.

Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich hôm qua (13/02), Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, Nga và các nước phương Tây đã rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Người đứng đầu Chính phủ Nga nhấn mạnh “đường lối chính trị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga vẫn là thù địch và đóng kín”. Thủ tướng Medvedev khẳng định dù thế giới phải đối mặt với nhiều mối đe dọa thực tế, song ông hy vọng các nước phương Tây hiểu rằng chúng hoàn toàn khác, không liên quan tới Nga.

Ông cũng kêu gọi phương Tây từ bỏ “học thuyết kiềm chế” trong quan hệ với Nga, phối hợp nỗ lực với Nga nhằm giải quyết những vấn đề thách thức thế giới: “Theo tôi, quan điểm của NATO hướng đến Nga là không thân thiện và mang tính cô lập. Nói chính xác thì quan hệ Nga – phương Tây đã rơi vào chiến tranh lạnh. Chúng tôi bị đổ lỗi cho tất cả những gì được gọi là nguy cơ kinh khủng nhất đối với NATO, với châu Âu, với Mỹ và các quốc gia khác”.

Phản ứng trước tuyên bố của Thủ tướng Nga, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rằng, NATO không từ bỏ dự án trên, đồng thời cho rằng răn đe hạt nhân vẫn là một phần trong chiến lược của khối quân sự này.

Theo ông Stoltenberg, NATO tiếp tục phát triển dự án hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu và hệ thống này không nhằm chống lại Nga. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Nga hợp tác trong vấn đề phòng thủ tên lửa. Người đứng đầu NATO nhấn mạnh Nga là láng giềng lớn nhất của liên minh quân sự này và là một cường quốc thế giới. NATO không tìm kiếm sự đối đầu với Nga và không muốn chiến tranh lạnh giữa hai bên. Tổng Thư ký NATO cho rằng quan hệ với Nga cần được xây dựng trên cơ sở “phòng thủ và đối thoại”.

Ông Stoltenberg nói: “Nga là nước láng giềng lớn nhất của NATO và là một cường quốc thế giới. Nga đang ngày càng quyết đoán hơn và góp phần ổn định trật tự an ninh châu Âu. Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu và chúng tôi không muốn một cuộc chiến tranh lanh. Song chúng tôi cũng cần có phản ứng cứng rắn để làm sao có thể dung hòa được điều đó. Theo tôi câu trả lời nằm ở việc cả hai bên phải tăng cường an ninh song cũng phải tiến hành nhiều cuộc đối thoại hơn”.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Nga và NATO đưa ra chỉ 3 ngày sau khi các Bộ trưởng Quốc phòng của 28 quốc gia thành viên thuộc NATO ngày 10/2 đã thông qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu, với việc gia tăng số binh sĩ của lực lượng phản ứng nhanh, cơ sở cho lực lượng đồn trú tại 6 nước khu vực Đông Âu lên gấp 3 lần, từ 13.000 lên 40.000 người, cũng như tăng cường các khí tài quân sự tới khu vực này. Đây được xem là một quyết định làm hằn sâu những căng thẳng đã có trong quan hệ Nga và NATO./.