Ngày 20/12, Nga tuyên bố có quyền lựa chọn thời gian, địa điểm và hình thức đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuyên bố mới nhất của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ mở rộng danh sách các biện pháp trừng phạt Nga. Các động thái mới nhất này của hai bên đang khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ chưa hết căng thẳng. 

388716_riuc.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. (ảnh: Sputnik). 

Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga chính là hành động thù địch của chính quyền sắp mãn nhiệm Barack Obama do vậy Nga cũng sẽ mở rộng danh sách trừng phạt trả đũa Mỹ. 

Ông Ryabkov nói rằng, Mỹ mở rộng các danh sách trừng phạt trên nhiều căn cứ sai trái và vô nghĩa. Do vậy, Nga sẽ tìm thấy cách đáp trả thích đáng. Điều này không có lợi cho phía Mỹ. 

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Obama đã tái khẳng định cam kết duy trì trừng phạt Nga liên quan đến vấn đề Crimea bằng công bố các biện pháp trừng phạt tài chính mới nhằm vào các doanh nhân và doanh nghiệp Nga. 

Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 7 chủ ngân hàng và doanh nhân Nga cũng như 8 doanh nghiệp có hoạt động ở Ukraine. 

Mỹ cũng cấm vận thêm một số công ty và tập đoàn nhà nước của Nga vì các hoạt động ở Crimea, trong đó có hai công ty đang tham gia xây dựng cây cầu trị giá hàng tỉ USD nối giữa bán đảo và các khu vực khác của Nga.  

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, động thái trừng phạt này cho thấy Mỹ giữ vững cam kết duy trì trừng phạt cho tới khi Nga thực thi đầy đủ các cam kết của họ trong thỏa thuận Minsk. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: "Mỹ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến bạo lực gần đây tại khu vực miền Đông Ukraine. Chỉ trong 2 ngày qua, 6 binh sỹ quân đội Ukraine đã thiệt mạng và 33 người bị thương trong các cuộc xung đột với lực lượng đòi ly khai. Chúng tôi kêu gọi Nga sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các lực lượng đòi ly khai để ngăn chặn bạo lực và cho phép các quan sát viên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đến giám sát thực địa”.

Theo các nhà phân tích, mặc dù các biện pháp trừng phạt này không có gì bất thường, nhưng thời điểm công bố lại đáng chú ý, bởi chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã làm dấy lên hoài nghi về tương lai chính sách của Mỹ đối với Nga cũng như về một cách tiếp cận thống nhất đối với các lệnh trừng phạt khi mà vị tỷ phú này dường như có lập trường mềm mỏng với Tổng thống Vladimir Putin.

Đáng chú ý, người ông Donald Trump chọn làm Ngoại trưởng Mỹ, là ông Rex Tillerson, Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Exxon Mobil cũng đã phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.

Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) từ năm 2014 áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến tình hình Ukraine và việc sát nhập bán đảo Crimea. Các biện pháp này bao gồm cấm nhập cảnh các nước thuộc Liên minh châu Âu và Mỹ một loạt quan chức Nga cũng như đóng băng tài sản của họ.

Ngoài ra còn có các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực quân sự, tài chính và thương mại. Các biện pháp này đã nhiều lần được mở rộng và gia hạn./.