Ngay trước thềm hội đàm trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo, Điện Kremlin đã mô tả mối quan hệ giữa Nga và Mỹ là đáng tiếc khi Mỹ và các đồng minh luôn tìm cách “vẽ ra mối đe dọa Nga”.

Người phát ngôn Điện Dmitri Peskov nhấn mạnh: “Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ cần phải đánh giá tiến độ thực hiện những điều mà hai bên thống nhất trong cuộc gặp hồi tháng 6, qua đó xác định thêm nhiệm vụ cần làm tiếp theo và tất nhiên bao gồm cả  mối quan hệ song phương  đang trong tình trạng khá đáng tiếc như hiện nay. Quan điểm của Tổng thống Putin là có được sự đảm bảo lâu dài đối với an ninh của Nga.”

Các nước phương Tây thời gian gần đây không ngừng chỉ trích Nga tăng cường hiện diện quân sự áp sát biên giới Ukraine, bất chấp việc Nga khẳng định việc điều động quân đội bên trong lãnh thổ của mình thuần túy vì mục đích phòng thủ. Đối với Nga, các hoạt động quân sự của NATO sát biên giới Nga mới là mối đe dọa thực sự và nước này muốn nhận được sự đảm bảo có tính ràng buộc pháp lý rằng NATO sẽ không tiếp tục mở rộng về phía Đông, cũng như cam kết không triển khai các loại vũ khí hiện có tới các quốc gia gần biên giới với Nga, trong đó có Ukraine.

Tuy nhiên, theo Tổng thống Mỹ, không gì có thể ngăn cản tham vọng của NATO. Ông Biden hồi cuối tuần trước tuyên bố không chấp nhận bất kỳ lằn ranh đỏ nào và ngày 6/12 đã cùng với các đồng minh Anh, Đức, Pháp và Italy ra tuyên bố chung cảnh báo về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu Nga đi quá giới hạn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh: “Lập trường của Mỹ rất rõ ràng và chúng tôi cũng nghe được điều tương tự từ các đồng minh NATO rằng, có một cơ hội trước mắt để giải quyết vấn đề về mặt ngoại giao, chủ yếu là thông qua việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk. Đó là ưu tiên và nếu Nga không muốn chọn con đường ngoại giao, Mỹ và các đồng minh sẵn sàng thực hiện các biện pháp mà chúng tôi chưa từng làm trước đây”.

Dự báo về cuộc gặp, các nhà phân tích tại Nga và Mỹ cho rằng, dù lập trường khó có thể hòa giải, song kết quả được mong chờ nhất là hai nhà lãnh đạo sẽ thể hiện sự kiềm chế và cam kết giảm leo thang căng thẳng.

Trên thực tế, Điện Kremlin cũng đã bày tỏ rõ ràng ý định xúc tiến thêm một hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ vào năm 2022, trong khi Mỹ cũng khẳng định không tìm kiếm một kịch bản “bất lợi”.

Tuần trước Mỹ đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine nhằm việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 năm tại miền Đông Ukraine và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đáp lại rằng, về nguyên tắc Nga không phản đối điều này. Chính vì thế, cuộc hội đàm trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ dù sẽ chưa thể ngay lập tức mang lại đột phá hay cải thiện nhanh chóng, song cạnh tranh có kiểm soát sẽ vẫn là xu thế chính của quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai./.