Nhóm thanh sát viên Liên Hợp Quốc phụ trách điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột ở Syria ngày 31/8 đã về đến sân bay Rotterdam, Hà Lan.

Người phát ngôn Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho biết, “các mẫu và bằng chứng” liên quan việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria do nhóm thanh sát viên LHQ thu thập được tại hiện trường sẽ được gửi đến nhiều phòng thí nghiệm để phân tích.

Việc các thanh sát viên LHQ rời khỏi Syria được cho là “mở đường” cho một cuộc tấn công của Mỹ và một số đồng minh sau khi chính quyền Mỹ đã phát đi tín hiệu rõ ràng, trong đó khẳng định hành động can thiệp quân sự sắp diễn ra.

syria.jpg
Chiến sự tại Syria khiến các nước lớn mâu thuẫn về quan điểm (Ảnh: Reuters)

Liên quan đến tình hình ở Syria, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế thuộc Duma Quốc gia Nga Aleksei Pushkov ngày 31/8 đã viết trên tài khoản Twitter của mình rằng: “Nếu Mỹ can thiệp quân sự vào Syria mà không được sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an LHQ, thì cộng đồng quốc tế cần kêu gọi Ủy ban Giải thưởng Nobel thu hồi giải Nobel của ông Obama”.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Putin cũng đã thúc giục ông Obama với tư cách là người đoạt giải thưởng Nobel hòa bình từ bỏ nỗ lực can thiệp quân sự vào Syria.

Ông Putin cho rằng, cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học là “hết sức vô lý”, vì quân đội của họ đang giành thắng lợi trên chiến trường.

Tình hình Syria tiếp tục "nóng" lên với việc Mỹ ráo riết thúc đẩy hành động can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này với cáo buộc Chính phủ của Tổng thống Syria  ông Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.

Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, Mỹ đang cân nhắc một "hành động hạn chế", song nhấn mạnh hiện chưa có quyết định cuối cùng nào về việc liệu có phát động các cuộc tấn công quân sự nhằm vào chính quyền Syria.

Quan hệ giữa Mỹ và Nga đang có dấu hiệu căng thẳng liên quan đến vấn đề Syria khi ngày 31/8, hãng tin RIA Novosti đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hủy cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng nước này ông John Kerry với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Hãng tin Nga cho biết, cuộc điện đàm đã được lên kế hoạch từ trước khi Tổng thống Barack Obama thông báo về khả năng can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, phía Mỹ đã bất ngờ hủy cuộc điện đàm mà không thông báo bất kỳ lý do nào.

Phía Nga đã tuyên bố bác bỏ bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an LHQ liên quan đến các biện pháp quân sự chống Syria.

Trong khi đó, Iran cho biết sẽ chống lại bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào quốc gia Trung Đông này, đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Tuyên bố trên được Chủ tịch Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh quốc gia - Quốc hội Iran Alaeddin Boroujerdi đưa ra sau cuộc gặp Chủ tịch quốc hội Syria Mohammad Jihad al-Laham tại thủ đô Damacus.

Ông Boroujerdi sẽ có các cuộc gặp và thảo luận với các quan chức Syria về những diễn biến mới nhất liên quan cuộc khủng hoảng ở đất nước này./.