Lệnh ngừng bắn giờ như “chỉ mành treo chuông”
Theo tạp chí CSM, tại cuộc họp ở Liên Hợp Quốc liên quan đến tình hình Syria ngày 21/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn cố bấu víu vào ý tưởng thiết lập một vùng cấm bay tại Syria. Ông John Kerry cũng cáo buộc Nga “đứng đằng sau vụ tấn công nhằm vào đoàn xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc đang tiến vào Syria ngày 20/9”.
Chiến sự tại Syria đã đem lại quá nhiều đau thương mất mát cho người dân tại quốc gia Trung Đông này. Ảnh: AP
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng khẳng định Nga không liên quan đến vụ tấn công nói trên. Cũng theo ông Lavrov, Nga đang điều một tàu sân bay chở hàng chục chiến đấu cơ đến khu vực ngoài khơi Syria để giám sát chặt chẽ tình hình chiến sự.
Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Sau khi nghe những lời lẽ của người đồng cấp Lavrov, tôi có cảm tưởng như chúng tôi ở hai vũ trụ hoàn toàn khác biệt. Lệnh ngừng bắn ở Syria giờ như “chỉ mành treo chuông”.
Dù vậy, cả hai quan chức nói trên đều không muốn thừa nhận một thực tế rằng, lệnh ngừng bắn tại Syria hiện nay là “vô phương cứu chữa”. Bất chấp những dấu hiệu hết sức bi quan và những khác biệt hiện tại, cả Nga và Mỹ đều quyết không buông bỏ lệnh ngừng bắn này.
“Cả Nga và Mỹ đều không hài lòng với những diễn biến liên quan đến lệnh ngừng bắn kéo dài được hơn một tuần qua tại Syria. Họ cũng không muốn chứng kiến nỗ lực ngoại giao của mình “đổ xuống sông xuống bể”, Giáo sư Michael Doyle tại Đại học Columbia, New York, Mỹ nhận định: “Cả hai đều có những lý do riêng để cố duy trì lệnh ngừng bắn này”.
Theo Giáo sư Doyle, lý do dễ nhận thấy nhất là họ muốn kiềm chế cuộc xung đột hiện nay để tránh việc Syria rơi vào tình trạng mất kiểm soát hoàn toàn.
“Cả hai nước đều có lợi ích riêng trong việc đảm bảo rằng cuộc xung đột tại Syria sẽ không leo thang căng thẳng. Cả hai nước đều muốn tình hình Syria được duy trì ổn định”, Giáo sư Doyle nhận định: “Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả hai đều nhận ra rằng, kiềm chế cuộc xung đột tại Syria còn tốt hơn nhiều so với việc để nó bùng phát và lan ra khắp khu vực”.
Hòa bình mong manh ở Syria lại đứng trước nguy cơ chết yểu
Chĩa mũi dùi vào nhau
Dù vậy, hiện tại cả Nga và Mỹ đều đổ lỗi cho nhau trong việc đẩy lệnh ngừng bắn hiện tại tại Syria “xuống vực thẳm”.
Như đã nói ở trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không ngần ngại cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công đoàn xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, ông Lavrov lại cho rằng, Mỹ đã không “bảo ban” được phe đối lập tại Syria và chỉ trích liên minh do Mỹ đứng đầu vì vụ tấn công “nhầm” vào binh sĩ Syria vào cuối tuần trước.
Nhiều chuyên gia phương Tây vẫn không hoàn toàn bị thuyết phục về việc Nga muốn “hồi sinh” lệnh ngừng bắn nói trên. Theo họ, nhìn từ quan điểm của Nga, việc thu xếp bất đồng với Mỹ có thể giúp chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad được phương Tây thừa nhận nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông Assad sẽ bị “trói chân trói tay” trong cuộc chiến chống phe đối lập.
“Chính quyền của ông Assad và Nga dường như rất vui mừng khi lệnh ngừng bắn do ông Kerry đề xuất sụp đổ hoàn toàn”, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Đông Rafik Hariri thuộc Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington Frederic Hof nhận định.
Theo ông Hof, Nga sẽ chẳng đời nào chịu ép buộc ông Assad phải tuân thủ lệnh ngừng bắn bởi ông Assad đóng vai trò trung tâm trong kế hoạch đánh bại âm mưu thay đổi chế độ tại Syria của Mỹ.
Lệnh ngừng bắn Syria có thực sự là “cơ hội vàng” để chấm dứt bạo lực?
Hợp tác là “lựa chọn duy nhất”
Dù vậy, theo ông Hof, Nga và Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hợp tác với nhau nhằm tìm ra một giải pháp cho tình hình Syria, nơi cả Nga và Mỹ đều đang tiến hành các chiến dịch quân sự.
“Nga và Mỹ đã phải tiến hành các cuộc liên lạc liên tục nhằm đạt được một thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận được nhằm đem lại hòa bình cho Syria dù cả hai đều sở hữu những chiến đấu cơ hiện đại hoạt động đan xen nhau tại đó”, ông Hof nói.
Ngoài ra, Nga cũng nhận thấy những lợi ích nhất định khi tham gia với liên quân do Mỹ đứng đầu vào cuộc chiến chống nhóm phiến quân Jabhat Fateh al Sham- trước đó còn được biết đến với cái tên Mặt trận al-Nusra mà cả Mỹ và Chính phủ Syria đều liệt vào danh sách khủng bố.
Theo ông Hof, Nga coi việc Chính phủ của Tổng thống Obama muốn chấm dứt các hoạt động giao tranh tại Syria là “cơ hội để nhận được sự hỗ trợ của Mỹ trong việc tiêu diệt Mặt trận al-Nusra”.
Tuy nhiên, theo ông Hof, ngoài điểm chung này, cơ hội hợp tác Nga-Mỹ trong vấn đề Syria được cho là khá mong manh. “Việc hợp tác Nga-Mỹ sẽ khó có thể diễn ra trong thời điểm này bởi Nga và Mỹ vẫn chưa tìm ra được cách thức hợp tác hiệu quả và thực chất vượt xa những nghi thức ngoại giao thông thường”.
Một năm từ khi bắt đầu không kích IS ở Syria: Nga có đang bị sa lầy?
Tổng thống Obama cũng chính là người lên tiếng bày tỏ hoài nghi về quyết tâm của Nga trong việc đảm bảo rằng những nỗ lực ngoại giao sẽ có tác động tích cực tại Syria. Điều này cho thấy triển vọng về một lệnh ngừng bắn sắp tới là khá tiêu cực và gợi nhớ về sự đối đầu Mỹ-Xô trong thời Chiến tranh Lạnh.
“Tại thời điểm cao trào của cuộc Chiến tranh Lạnh, đã có rất nhiều cuộc chiến tại các nước thứ 3 khiến mối sự thù địch giữa Liên Xô và Mỹ càng bị khoét sâu”, Giáo sư Doyle nhận định.
Dù vậy, theo Giáo sư Doyle, cả Liên Xô và Mỹ vẫn nỗ lực tìm ra phương thức hợp tác trong những vấn đề đem lại lợi ích cho cả hai bên: “Vẫn có rất nhiều chỗ để cả Liên Xô và Mỹ thể hiện thiện chí về ngoại giao khi mà sự thù địch giữa hai bên còn nhiều gấp 2, thậm chí gấp 3 so với mối quan hệ Nga-Mỹ hiện nay. Chính vì thế, triển vọng về việc Nga-Mỹ tiếp tục hợp tác trong vấn đề Syria là rất tích cực”./.