RTdẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Aleksey Pushkov nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể ở lại một tổ chức luôn phân biệt đối xử với các phái đoàn của Nga”. 

“Trước khi chúng tôi đến Strasbourg, chúng tôi đã cảnh báo các đồng nghiệp châu Âu rằng Nga sẽ không chấp thuận một lệnh trừng phạt mới. Đó không phải là điều gì gây bất ngờ cho họ cũng như không phải là lời đe dọa từ phía Nga. Chúng tôi chỉ đưa ra lời cảnh báo với họ và giờ Nga không thấy có lý do gì để ở lại PACE nữa”, ông Pushkov nói. 

pushkov_suza.jpgChủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Aleksey Pushkov (Ảnh RIA)

Cũng theo ông Puskov, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn không loại bỏ khả năng nước này sẽ rút khỏi Hội đồng châu Âu (EC). 

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Nga Sergey Naryshkin cũng đã cảnh báo nếu PACE không thay đổi quan điểm của mình đối với các phái đoàn của Nga, Nga có thể xin rút khỏi EC. 

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi bàn đến việc này”, ông Pushkov nói, “tuy nhiên, điều đó là bởi phái đoàn của chúng tôi liên tục bị PACE cản trở và Nga luôn bị áp đặt các lệnh trừng phạt mang tính phân biệt đối xử. Nga cảnh báo sẽ rút khỏi PACE nếu EU áp đặt các lệnh trừng phạt mới và sẽ xem xét việc ở lại EC vào năm tới”. 

Theo ông Pushov, Nga có thể tham gia rất nhiều diễn đàn và các tổ chức đa quốc gia nơi mà quan điểm của Nga được tôn trọng trên nguyên tắc bình đẳng. 

Ông Pushkov cũng khẳng định Nga sẽ bảo vệ vị thế của mình tại Liên Hợp Quốc, nơi “Nga có quyền phủ quyết và các lệnh trừng phạt không được áp dụng”. 

“Tôi nghĩ rằng, PACE đang là kẻ thất bại”, ông Pushkov nói và cho biết, sau khi Nga dừng việc hợp tác với PACE, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ có thể thay thế PACE với tư cách là tổ chức có thể trao đổi với Nga về các vấn đề của châu Âu. 

Ngoài ra, ông Pushkov khẳng định, trong vòng 1 năm qua, PACE đã mất đi uy tín của mình bởi tổ chức này luôn vi phạm nguyên tắc cốt lõi là bảo vệ dân chủ, nhân quyền và tôn trọng pháp luật. 

Theo ông Pushkov, PACE giờ chỉ là “công cụ cho các chính sách của phương Tây”, vốn đã thất bại trong việc lên án nhiều vụ vi phạm nhân quyền cũng như việc làm hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine. 

Thượng Nghị sĩ Nga Igor Morozov cũng cho rằng việc hạn chế quyền của phái đoàn Nga tại PACE là một “hành động phân biệt đối xử” và “thiên vị Mỹ rõ ràng”. 

“Việc hạn chế các quyền của Nga cũng đồng nghĩa với việc cấm phái đoàn Nga được lên tiếng giải thích về những câu hỏi mà PACE luôn đặt ra với họ. Chúng tôi không thể đưa ra lời hồi đáp phù hợp khi mà chúng tôi thậm chí không được lên tiếng”, ông Morozov nói. 

Trong khi đó, Chủ tịch PACE Anne Brasseur cho biết, bà lấy làm tiếc về quyết định của phía Nga. 

“Tôi nghĩ rằng, quyết định rời khỏi PACE ngay lập tức của Nga là không đúng đắn”, bà Brasseur tuyên bố và giải thích rằng, việc không được bỏ phiếu không đồng nghĩa với việc không được tham gia vào các cuộc đối thoại của PACE./.