Lần thứ 10 kể từ khi cuộc xung đột tại Syria bùng phát năm 2010, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết chống lại một dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gia hạn sứ mệnh của Cơ chế Điều tra chung Liên Hợp Quốc về vũ khí hóa học Syria.

syria_ssjz.jpg
Khói bốc lên sau một cuộc giao tranh ở Syria. Ảnh minh họa: AP.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ vài giờ trước khi sứ mệnh này hết hiệu lực vào nửa đêm ngày 16/11. Để được thông qua văn kiện phải nhận được ít nhất 9 phiếu thuận và không có bất kỳ phiếu chống nào từ 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc).

Ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Nga đã rút lại dự thảo nghị quyết do nước này đề xuất liên quan tới việc gia hạn sứ mệnh của Cơ chế Điều tra chung Liên Hợp Quốc.

Theo Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia, từ bỏ cuộc điều tra về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria có thể gửi đi thông điệp không hay, song cách mà cuộc điều tra đang được tiến hành hiện nay còn gửi đi những thông điệp tồi tệ hơn.

Hồi tháng trước, Cơ chế Điều tra chung Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo điều tra cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng khí độc Sarin tại thị trấn Khan Sheikhun hồi tháng 4 vừa qua, làm nhiều người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em. Chính phủ Nga ngay lập tức đưa ra phản ứng, cho rằng bản báo cáo là thiên vị và không đủ tin cậy.

Cả Mỹ và Nga đều thúc đẩy các dự thảo riêng rẽ về việc gia hạn sứ mệnh của cơ chế điều tra Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, trong khi Nga mong muốn gia hạn thêm 6 tháng, thì Mỹ đề xuất kéo dài thêm 18 tháng. Trong bản dự thảo nghị quyết của mình, Nga cũng đề nghị bỏ sang một bên kết quả cuộc điều tra trước đó và tiến hành một cuộc điều tra khác toàn diện và có chất lượng hơn./.