Hoạt động tìm kiếm những mảnh vỡ của thiên thạch nổ trên địa bàn tỉnh Chelyabinsk - vùng Ural đã chấm dứt. Cuộc sống trong khu vực đã trở lại bình thường, sau khi các nhà khoa học xác nhận độ phóng xạ trong khu vực ở mức cho phép. Ngày 17/2, chính quyền thành phố Chelyabinsk mở trung tâm khủng hoảng, cung cấp hỗ trợ tâm lý cho các cư dân địa phương bị ảnh hưởng bởi vụ rơi thiên thạch.

ho-bang.jpg
Lỗ thủng trên mặt băng tại hồ Chebarkul (Ảnh: AFP)

Phó Thống đốc khu vực Chelyabinsk, Igor Murogov, cho biết, các hoạt động tìm kiếm được tiến hành tại vùng hồ Chebarkul, cách thị trấn cùng tên 1km, cũng như ở hai nơi khác. Ông Murogov cho biết: “Lúc đầu các chuyên viên cho rằng, hố nước trên băng được phát hiện trên mặt băng hồ Chebarkul là nơi các mảnh vỡ thiên thạch rơi xuống hồ, nhưng nó đã hình thành vì một nguyên nhân khác. Cuộc sống trong khu vực đã trở lại bình thường. Độ phóng xạ ở mức bình thường”.

Bộ tình huống khẩn cấp cho biết, ngày 17/2, các chuyên viên cứu hộ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật của ba cơ sở xã hội quan trọng tại khu vực Chelyabinsk, nơi bị thiệt hại lớn sau vụ rơi thiên thạch.

Trước đó, các chuyên viên đã thanh tra điều kiện kỹ thuật tại hai bệnh viện thành phố và nhà kho của Nhà máy kẽm Chelyabinsk.

Trong ngày 17/2, chính quyền thành phố Chelyabinsk mở trung tâm khủng hoảng, cung cấp hỗ trợ tâm lý cho các cư dân địa phương bị ảnh hưởng bởi vụ rơi thiên thạch. Phát ngôn viên của Trung tâm tình trạng khẩn cấp khu vực Ural, ông Vadim Grebennikov cho biết: “Tại khu vực Chelyabinsk có 3.724 tòa nhà bị hư hại, trong đó có 671 cơ sở giáo dục. Hiện chính quyền đang tập trung vào công việc khôi phục. Tại Chelyabinsk đang có 320 đội khắc phục hậu quả hoạt động. Chúng tôi cũng nhận được hỗ trợ từ các khu vực khác. Các nhóm Tình trạng khẩn cấp ngày càng được tăng cường. Tại thời điểm này, có 1.147 người cần điều trị. Hiện tại 7 máy bay đang trên bầu trời khu vực thiên thạch bay để nghiên cứu”.

Phía Nga cho biết họ vẫn chưa tìm thấy mảnh vỡ của thiên thạch trên mặt đất. Có giả thiết, thiên thạch không có cấu tạo từ đá hoặc sắt, mà là băng. Nhà nghiên cứu Vladislav Leonov ở Viện thiên văn học nhận xét: “Đó có thể là sao băng. Có khả năng đó là hạt nhân sao chổi. Chỉ có hạt nhân sao chổi mới có sức công phá mạnh như vậy mà không để lại bất kỳ dấu vết nào sau va chạm. Thực tế là trong thành phần của chúng chỉ có băng và bụi kết hợp với nhau, hoàn toàn phân tán sau khi va chạm ở vận tốc vũ trụ, gây ra tiếng nổ đặc trưng”.

Trước đó, các nhà khoa học và cứu hộ Nga hy vọng tìm mảnh vỡ của thiên thạch tại hồ Chebarkul gần Chelyabinsk. Tuy nhiên, các nhóm thợ lặn làm việc ở hồ trong điều kiện nhiệt độ xuống tới -20 độ C đã được rút về.

Các chuyên gia khẳng định là thiên thạch lớn nhất rơi xuống Trái đất, sau thiên thạch Tunguska (1908). "Mưa thiên thạch" đã được ghi nhận trong 5 khu vực của Liên bang Nga. Các mảnh vỡ gây thiệt hại cho khoảng 1.200 người, hơn 50 người phải nhập viện. Thiệt hại vượt quá 1 tỷ rúp (25 triệu euro)./.