Hải quân Nga đã gửi 4 tàu chiến tới phía đông Địa Trung Hải, gần bờ biển Syria, trong bối cảnh Mỹ đang ráo riết để tiến hành một cuộc tấn công quân sự chống lại quốc gia Arab này.

Hãng tin Interfax của Nga dẫn lời một nguồn tin từ Saint Petersburg nói rằng thừa lệnh của Hải quân trung ương, tàu trinh sát mang số hiệu 201 SSV Priazovye được hộ tống bởi hai tàu hạ cánh Minsk và Novocherkassk, đã đi qua eo biển Bosporus của Thổ Nhĩ Kỳ. 

tau-chien-nga.jpg
Tàu ​​chiến Nga đi qua eo biển Bosporus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/9 (Ảnh: Press TV)

Nguồn tin trên cũng cho biết, chiếc tàu hạ cánh thứ ba tàu đã dừng chân trong một thời gian ngắn ở Novorossiysk ở Biển Đen để tiếp nhận một số “hàng hóa đặc biệt” nhưng không thông tin cụ thể về hàng hóa gì.

Hãng tin Interfax cho biết thêm rằng, Moscow cũng sẽ sớm gửi thêm tàu khu trục Smetlivy đến Đông Địa Trung Hải. 

Như vậy tính tới thời điểm này, đội tàu của Nga đã có mặt ở phía đông Địa Trung Hải gồm tàu Đô đốc Panteleyev chống tàu ngầm, tàu khu trục lớp Neustrashimyy và ba tàu hạ cánh Alexander Shabalin, Đô đốc Nevelsky và Peresvet.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại St Petersburg, tuyên bố rằng Moscow sẽ hỗ trợ Syria nếu nước này bị tấn công. Tổng thống Nga cũng cho biết, cùng với Nga, một số nhà lãnh đạo G20 như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Argentina, Brazil, Nam Phi và Italy cũng tuyên bố phản đối một sự can thiệp quân sự vào Syria.

Một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Saudi Arabia và Pháp ủng hộ hành động can thiệp quân sự vào Syria của Mỹ. Tuy nhiên, do không được phép của Nghị viện Anh, Thủ tướng nước này David Cameron mới đây tuyên bố Anh sẽ không tham chiến ở Syria.

Tuần trước, nghị viện Anh đã bỏ phiếu chống lại sự can thiệp quân sự vào Syria bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng David Cameron. 

Trong khi đó, Tổng thống Putin cho biết, Moscow đã có kế hoạch riêng của mình để đối phó với hành động can thiệp quân sự có thể của Mỹ đối với Syria. Ông tuyên bố: "Chúng tôi đã có kế hoạch sẽ làm gì và làm thế nào, chúng tôi sẽ làm điều đó nếu tình hình phát triển hướng tới việc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên còn quá sớm để nói về những kế hoạch này". 

Những tuyên bố đe dọa can thiệp quân sự chống lại Syria ngày càng trở nên nghiêm trọng sau khi lực lượng đối lập Syria được sự ủng hộ của nước ngoài cáo buộc chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad phát động một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus vào ngày 21/8 vừa qua.

Tuy nhiên, Damascus đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc này và nói rằng chính phe đối lập mới là kẻ chủ mưu đã tiến hành các cuộc tấn công hóa học này. 

Ngày 31/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông đã quyết định nước Mỹ phải có hành động quân sự chống lại chính phủ Syria, và đó sẽ là một cuộc tấn công quân sự đơn phương mà không có sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên ông Obama cũng cho biết sẽ xin ý kiến Quốc hội Mỹ trước khi thực hiện cuộc can thiệp này. 

Bên cạnh đó, chính quyền Obama liên tục có những động thái chuẩn bị để có thể tấn công quân sự vào Syria bất kỳ lúc nào. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho phép can thiệp quân sự với quy mô hạn chế đối với Syria. Theo nghị quyết trên, chiến dịch quân sự chống Syria sẽ không vượt quá 60 ngày nhưng có thể kéo dài thêm 30 ngày nếu cần thiết và hoàn toàn không sử dụng bộ binh.

Các quan chức chính quyền Obama hiện đang ráo riết thực hiện một chiến dịch vận động hành lang ở Quốc hội Mỹ, nơi các nhà lập pháp Mỹ trong cả hai viện của Quốc hội dự kiến sẽ bỏ phiếu về một hành động quân sự đối với Syria sau khi họ trở về từ kỳ nghỉ hè vào ngày 9/9 tới./.