Châu Âu khẳng định sẽ không có chuyện dỡ bỏ trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, nhất là sau cuộc bầu cử riêng của khu vực đối lập miền Đông Ukraine. Với các biện pháp trừng phạt kinh tế của châu Âu cùng với tác động từ các yếu tố thị trường, Nga chứng kiến sự mất giá kỷ lục của đồng ruble so với đồng USD. Song dường như nhân vật quyền lực nhất thế giới Tổng thống Nga Putin vẫn có thể kiểm soát tình hình. 

rubles_dyyi.jpg

Ngày 5/11, đồng ruble của Nga đã bị mất giá kỷ lục so với đồng USD, với tỷ giá 45,02 ruble đổi 1 USD. Tỷ giá này sau đó được kéo lên 44,82. Đồng ruble Nga rớt giá kỷ lục sau khi Ngân hàng Trung ương Nga trước đó cùng ngày hạn chế lượng tiền bơm vào thị trường xuống mức tối đa là 350 triệu USD mỗi ngày. Quyết định này nhằm thúc đẩy tính linh hoạt của tỷ giá ruble trên thị trường, song đồng nghĩa rằng tỷ giá ruble sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố thị trường. Đồng ruble Nga liên tiếp trượt giá trong những ngày qua được cho là gồm cả hệ quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Giới phân tích Nga nhắc đến những tác động tiêu cực với chi tiêu trong nước khi tỷ giá đồng ruble suy yếu. Nhà phân tích Vladimir Evstifeev nói: “Một phần trong quyết định của Ngân hàng Trung ương sẽ giúp nền kinh tế Nga có được lợi thế. Bởi vì chúng ta có thể triển khai những chiến lược kinh tế và đạt được một số mục tiêu, trong đó có thể là mức thâm hụt ngân sách chính phủ ở mức 0%. Nhưng với quan điểm của người dân, họ sẽ nhìn vào con số lạm phát gia tăng trước tiên. Chúng ta sẽ phải đối mặt với thực tế là tình hình lạm phát sẽ hạ thấp thu nhập của người dân dẫn đến việc giảm nhu cầu tiêu dùng”.

Giá dầu thế giới giảm cùng với trừng phạt của phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine, đã hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu và dòng chảy đầu tư vào Nga, kéo theo đó là suy giảm kinh tế của nước này. Nga có kế hoạch thả nổi đồng ruble đến cuối năm nay, nhưng yếu tố tiêu cực mới xuất hiện sẽ buộc Nga phải kìm lại tỷ giá đồng ruble sớm hơn kế hoạch.

Việc Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận khí đốt quan trọng đã thắp lên hy vọng hạ nhiệt mối quan hệ kinh tế, vốn bị đẩy lên căng thẳng vì khủng hoảng Ukraine. Song những diễn biến khủng hoảng mới lại đang đào sâu chia rẽ về cả chính trị và lợi ích kinh tế giữa các bên.

Trong một phát biểu ngày 5/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng sẽ không có chuyện châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga liên quan đến khủng hoảng tại quốc gia láng giềng. Chính quyền Ki-ép và phương Tây cực lực phản đối cuộc bầu cử gây tranh cãi của lực lượng đối lập miền Đông Ukraine hôm 2/11, trong khi Nga phản ứng ngược lại và hoan nghênh kết quả bầu cử này. Động thái mà bà Merkel cho rằng sẽ khiến châu Âu bổ sung danh sách trừng phạt với Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đang ở thăm Đức, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: “Với tình hình Ukraine, cuộc bầu cử tại miền Đông Ukraine vừa qua là không phù hợp với thỏa thuận Minsk, đặc biệt là điểm thứ 9 trong thỏa thuận này. Do đó không có khả năng châu Âu giảm bớt hay dỡ bỏ trừng phạt đã áp đặt với Nga. Chúng ta phải trở lại với kế hoạch Minsk và tiến ngừng bắn tại miền Đông Ukraine nhanh nhất có thể”.

Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng từ các trừng phạt là điều không thể phủ nhận. Đồng ruble mất giá nhanh chóng có thể trở thành một rào cản chính trị với Tổng thống Putin, vốn vẫn giành được ủng hộ mạnh mẽ của người dân Nga, bất chấp chính sách cứng rắn liên quan đến khủng hoảng Ukraine của ông đã dẫn đến những trừng phạt kinh tế nặng nề từ phương Tây. Giới phân tích cho rằng, dù đồng ruble rớt giá mạnh, song vẫn trong tầm kiểm soát của Nga./.