Ngày 20/10, Chính phủ Nepal cho biết họ đang ngừng các hoạt động cứu hộ vụ lở tuyết trên dãy Himalaya khi không còn hy vọng tìm thấy người còn sống sót sau 6 ngày xảy ra thảm họa.

Vụ lở tuyết xảy ra ngày 15/10 khi có hàng trăm người đi leo núi theo cung đường nổi tiếng Annapurna. Đây là thảm họa leo núi tồi tệ nhất tại Nepal, đã cướp đi sinh mạng của 40 người và còn khoảng 40 người khác vẫn đang mất tích. 

lotuyet_zvso_whux.jpgNgười leo núi tụ tập tại một điểm cứu hộ bằng trực thăng (Ảnh: Reuters)

Ngày 20/10, có nhiều thi thể đã được đưa về Thủ đô Kathmandu của Nepal. Các vụ lở tuyết tiếp tục diễn ra đã cản trở hoạt động cứu hộ.

Lực lượng cứu hộ Nepal đã cứu sống hơn 500 người trong thảm họa lở tuyết này. Trong đó, có 230 nhà leo núi và du khách nước ngoài đến từ Canada, Ấn Độ, Israel, Nhật Bản, Ba Lan… Đây là thảm hỏa leo núi thứ 2 trong năm nay tại Nepal.

Trước đó, 16 nhà hướng dẫn leo núi đã thiệt mạng trong một vụ lở tuyết hồi tháng 4 tại đỉnh núi cao nhất thế giới Everest. Tại Nepal có 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới. Các ngọn núi là điểm du lịch hấp dẫn thu hút hàng trăm nghìn du khách thế giới mỗi năm và đóng góp khoảng 12% nguồn thu kinh tế cho quốc gia này./.