Tuy nhiên, cho dù một năm sau trận động đất kinh hoàng đó, thì công cuộc tái thiết sau động đất tại Nepal vẫn diễn biến chậm chạp.
Nepal tan hoang sau trận động đất kinh hoàng năm 2015. Ảnh Reuters
Trận động đất 7,8 độ richter cách đây một năm đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người, khiến 22.000 người bị thương và phá hủy hơn 900.000 ngôi nhà.
Gần một năm đã trôi qua song đến nay, Nepal vẫn đang phải gồng mình để khôi phục lại nền kinh tế vốn bị tàn phá nặng nề và xây dựng lại cơ sở hạ tầng đã bị hư hỏng nặng sau động đất.
Cho đến nay còn khoảng 4 triệu người vẫn đang phải sống trong các khu lều tạm do động đất đã san phẳng nhà cửa của họ. Người dân địa phương cho biết họ phải cầu nguyện trong các túp lều dựng tạm vì tu viện và các ngôi chùa ở đây đều đã bị phá hủy.
Ở một số nơi, cuộc sống đã dần trở lại bình thường, và những người dân bị mất nhà cửa trong thảm họa động đất một năm về trước đang chờ sự giúp đỡ, bởi họ không thể tự xây lại nhà do các khó khăn về kinh tế cũng như các quy định phức tạp của Chính phủ đối với những trường hợp đủ điều kiện nhận hỗ trợ động đất. Người dân đã chỉ trích Chính phủ chậm trễ trong công tác khắc phục hậu quả động đất.
Một người dân Nepal cho biết: “Hầu hết chúng tôi nhận thực phẩm, lều bạt, tôn lợp mái nhà từ một số tổ chức dân sự cũng như tổ chức quốc tế chứ không phải từ phía chính phủ. Những động thái cứu trợ của chính phủ rất chậm chạp và gần như chỉ số ít nhận được sự trợ giúp từ phía nhà nước”.
Trong khi đó, Chính phủ Nepal cũng cho biết khó khăn tài chính là lý do chính khiến các công tác khắc phục và tái thiết sau động đất hầu như dậm chân tại chỗ trong suốt 1 năm qua. Theo đó, cần ít nhất 2 tỷ USD để xây dựng lại nhà cửa, trường học, bệnh viện cũng như tôn tạo các công trình lịch sử bị động đất tàn phá.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tổ chức này mới chỉ nhận được 13% trong tổng số 423 triệu đô la tiền cứu trợ để hỗ trợ Nepal khắc phục hậu quả trận động đất kép.
Hoạt động phục hồi các công trình cổ diễn ra khá chậm chạp. Hoạt động chạm khắc và mạ vàng các công trình cổ chủ yếu được làm theo phương pháp thủ công. Theo đánh giá của giới chuyên gia sẽ phải mất 2 năm nữa để hoạt động tu bổ trở lại trạng thái ban đầu.
Ngành du lịch, một trong những ngành mũi nhọn trong nền kinh tế Nepal, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau động đất và cho đến nay vẫn chưa hồi phục. Giờ là thời điểm diễn ra các hoạt động leo núi tại Nepal song lượng khách đăng ký đi leo núi như mọi năm đã giảm mạnh.
Chủ tịch Hội leo núi Nepal Tshering Sherpa nói: “Trận động đất tàn gây ra nhiều tác động không chỉ cho người dân khu vực. Đối với cộng đồng leo núi thì khi mà nền kinh tế chậm lại thì mọi thứ cũng bị chậm lại”.
Vào thời điểm này năm ngoái, chỉ trong hơn chục ngày, Nepal đã phải hứng chịu 2 trận động đất cực mạnh 7,8 độ richter (25/4/2015) và 7,3 độ richter (12/5/2015) san phẳng hàng nghìn ngôi nhà và công trình văn hóa cũng như di sản khảo cổ học của Nepal, quốc gia nghèo nhất tại khu vực Nam Á, với 28 triệu dân có mức thu nhập chưa đến 1,25USD mỗi ngày./.