Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 10/9 đã rời Tokyo đến Nga và sẽ hội đàm với Tổng thống Nga Putin nhân dịp tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Phương Đông, với sự chủ trì của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, sẽ diễn ra từ ngày 11-13/9 tại thành phố Vladivostok. Đây là lần thứ 22 ông Abe hội đàm với ông Putin kể từ khi làm Thủ tướng năm 2012. Tại diễn đàn ông Abe cũng sẽ gặp một số lãnh đạo các nước để thảo luận và “nghe ngóng” những động thái liên quan đến những vấn đề mà chính bản thân ông đang quan tâm.
Chạm trán vì lợi ích
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Diễn đàn, và Nga cũng đã mời Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham dự. Và nếu thành phần tham dự đầy đủ thì có thể nói chuyến đi tới Nga của Ông Abe lần này là lần đầu tiên “chạm trán” những nhà lãnh đạo các nước mà Nhật Bản vốn lâu nay đã có những sự khác biệt về lập trường trong nhiều vấn đề. Có thể những vấn đề đó sẽ được giải quyết phần nào nhân các cuộc gặp song phương bên lề Diễn đàn.
Ông Putin sẽ có cuộc hội đàm quan trọng với ông Abe trước khi Diễn đàn khai mạc. Chủ đề chính của cuộc hội đàm liên quan tới vấn đề ký kết Hiệp định hòa bình Nhật-Nga, hợp tác kinh tế song phương. Và vấn đề không thể không đề cập đó là vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, hành động cụ thể của Triều Tiên trong việc cam kết phi hạt nhân hóa. Hai bên cũng sẽ thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác kinh tế chung tại khu vực quần đảo tranh chấp (Nga gọi là quần đảo Kuril, Nhật gọi là quần đảo phương Bắc) hướng tới giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình vì lợi ích chung của hai nước.
Như vậy chuyến đi tới Nga của ông Abe lần này có rất nhiều ý nghĩa đan xen, vừa phục vụ lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, vừa là lợi ích kinh tế lẫn lợi ích chính trị.
Trong bối cảnh Nga đang đau đầu bởi những xung đột thương mại với khu vực Châu Âu, thì thông qua Diễn đàn kinh tế phương Đông lần này, Nga mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong đó có Nhật-Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi đầu tư giữa Nga và các bên. Ông Putin đã nhấn mạnh rằng đây là diễn đàn quan trọng của các nhà chính trị, của quan chức Chính phủ, của các nhà đầu tư. Năm nay sẽ có khoảng hơn 60 nước tham dự Diễn đàn.
Như vậy, Nhật Bản đối với Nga luôn luôn là đối tác kinh tế quan trọng. Hai nước cũng đã quyết định lấy năm 2018 là năm Nhật Bản tại Nga và là năm Nga tại Nhật Bản. Không đơn giản chỉ là những hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế đơn thuần, mà chính là sự khởi đầu của một giai đoạn mới cho quan hệ hai nước ở mức độ thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên muốn thực sự tăng cường hiểu biết nhau hơn, để có thể “dễ nói chuyện” với nhau hơn trên các diễn đàn quốc tế, hướng tới lợi ích quốc gia.
Thượng đỉnh Nga-Nhật thúc đẩy hợp tác chiến lược về an ninh, hòa bình
Nếp nhăn mới trên trán
Trong ngày 11/9, Tổng thống Nga sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là cuộc hội đàm lần thứ 3 trong năm nay giữa hai nhà lãnh đạo. Hai bên muốn tìm ra ý tưởng chung nhằm kiềm chế Mỹ ở một số vấn đề mà hai bên cho là gây đối kháng trong đó có vấn đề Triều Tiên. Điều đặc biệt, hai bên muốn nhấn mạnh hơn việc tăng cường hợp tác mối quan hệ đối tác chiến lược và thân thiết. Cũng trong ngày này, Nga sẽ tiến hành diễn tập quân sự qui mô lớn nhất từ sau chiến tranh lạnh tại Cực đông, và Trung Quốc không do dự quyết định phái khoảng 3200 binh sĩ tham gia cùng Nga trong cuộc diễn tập này.
Ông Abe lo ngại cuộc diễn tập này sẽ ảnh hưởng tới hòa bình khu vực. Có lẽ đây sẽ là “nếp nhăn” mới trên trán ông Abe khi hai nước này hợp tác quân sự. Và sau khi trở về từ Nga, Thủ tướng Abe không thể không trăn trở, lo lắng về an ninh của chính Nhật Bản trong những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Tuy nhiên, Ông Abe dự kiến sẽ có buổi hội đàm song phương bên lề Diễn đàn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đề cập tới chuyến công du tới Trung Quốc trong tháng 10 nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Hiệp ước Hòa bình hữu nghị Nhật-Trung có hiệu lực với mục đích cải thiện quan hệ hai nước. Nhưng để quan hệ hai nước thực sự được cải thiện cũng cần có một khoảng thời gian không hề ngắn.
Tại diễn đàn, ông Abe cũng có dự kiến hội đàm song phương với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nếu ông Kim tham gia Diễn đàn, thảo luận về đối thoại Nhật-Triều trong tương lai. Tuy nhiên, đến phút chót, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã không tham gia Diễn đàn, để lại tiếc nuối cho ông Abe. Và có lẽ cơ hội cho cuộc gặp này vẫn còn trong tương lai xa. Có thể đây cũng là dấu hiệu vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chưa dễ gì giải quyết sớm. Bởi có những mâu thuẫn luôn đồng hành song song cùng những thỏa thuận tưởng chừng sẽ được thực hiện sớm. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên vốn là điều mà ông Abe bị áp lực nhiều nhất từ trong nước, đến nay vẫn là áp lực của ông Abe trong nhiệm kỳ Thủ tướng tới, nếu ông thắng cử tại cuộc bầu cử Chủ tịch đảng cầm quyền LDP sắp tới./.
Hội nghị Thượng đỉnh Nhật-Triều có thể diễn ra tại Nga