Chiều tối qua (22/10), Bộ trưởng Quốc phòng của 28 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã họp 2 ngày tại Brussel, Bỉ, với trọng tâm tìm giải pháp nhằm chia sẻ các nguồn lực và tăng cường năng lực quốc phòng, đồng thời giảm chi phí sao cho các nguồn ngân sách chung được sử dụng hiệu quả hơn.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh, những năm gần đây, nhiều quốc gia châu Âu đang phải nỗ lực cắt giảm chi phí quốc phòng để giảm thâm hụt ngân sách quốc gia bất chấp việc NATO từng cảnh báo rằng việc thiếu ngân sách sẽ làm ảnh hưởng tới năng lực quân sự của các nước thành viên trong khối. Đối với nhiều quốc gia trong khối NATO, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng còn được gọi là “sự phòng vệ thông minh”.  Điều này đồng nghĩa với việc hợp tác giữa các quốc gia đồng minh là một giải pháp vừa góp phần giảm đi các trang thiết bị quân sự, vừa giúp các nước thành viên tiếp cận năng lực quân sự chung.

quan%20nato.jpg
(ảnh: NATO)

Trong ngày họp đầu tiên của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã có rất nhiều đề xuất được đưa ra. Đáng lưu ý là đề xuất của Đức: Framework Nations Concept (FNC)- tạm dịch là “Khái niệm Hợp nhất các quốc gia” đã nhận được phản hồi tích cực của nhiều nước thành viên NATO.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã đánh giá cao đề xuất của Đức và cho rằng sẽ góp phần trao quyền cho từng quốc gia thành viên NATO được giám sát các dự án quốc phòng quan trọng của khối.

 “Đề xuất của Đức đề cập khái niệm hợp nhất quốc gia. Một đề xuất đã từng được phía Đức đưa ra vào tháng 6 vừa qua,” ông Rasmussen nói. “Tôi hoan nghênh đề xuất này vì nó là một ví dụ cho thấy làm cách nào các nước đồng mình và các đối tác có thể hợp tác với nhau một cách chặt chẽ hơn, qua đó tăng cường năng lực quân sự chung. Theo tôi, khái niệm hợp nhất quốc gia này là một bộ phận của khái niệm phòng vệ thông minh, tập trung thúc đẩy cơ chế hợp tác đa phương.”

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond nói rằng gợi ý của Đức góp phần hỗ trợ các nước thành viên khác tăng cường một số hoạt động quân sự của nước đó.

 “Theo tôi, đây là một đề xuất tốt có khả năng giải quyết sự trì trệ trong một số quy trình của NATO trước đây. Theo cách tiếp cận mới, chúng tôi sẽ thực hiện mọi thứ trong một phạm vi hẹp và sau đó kết quả đó nếu hiệu quả sẽ được nhân rộng trong 28 quốc gia thành viên. Chúng tôi rất ủng hộ đề xướng  của Đức ”

Ngoài vấn đề hợp tác chung, trong phiên làm việc đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia thành viên NATO cũng thảo luận về an ninh mạng máy tính quốc phòng, xem xét lại cách bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa xuyên lục địa của NATO cho phù hợp với tình hình mới cũng như tình hình tại Afghanistan. Theo kế hoạch, NATO sẽ rút toàn bộ quân đội ra khỏi Afghanistan vào cuối năm nay. Vấn đề cấp bách là huấn luyện quân đội Afghanistan đủ sức giữ ổn định tình hình tại nước này./.