Tổng thư ký NATO Stoltenberg bày tỏ lo ngại trước sự phát triển các tên lửa tầm trung của Trung Quốc, đồng thời thúc giục Bắc Kinh tham gia vào hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quốc tế.

ten_lua_trung_quoc_hspq.jpg
Một tên lửa tầm trung HQ-6 của Trung Quốc. (Ảnh: Apple Daily)

"Chúng tôi thấy rằng Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào phát triển các loại vũ khí mới, hiện đại, bao gồm các loại tên lửa", ông Stoltenberg nhấn mạnh trong bài phát biểu trên kênh truyền hình Đức ZDF hôm 13/11.

Theo ông Stoltenberg, một nửa số tên lửa Trung Quốc phát triển sẽ vi phạm INF nếu Bắc Kinh là một bên ký kết.

"Chúng tôi ủng hộ mở rộng hiệp ước này để Trung Quốc cũng phải tuân thủ nó", ông này nói thêm.

Ngày 20/10, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ rút Mỹ khỏi INF với cáo buộc Nga không tôn trọng thỏa thuận. INF được ký năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Hiệp ước loại bỏ tất cả tên lửa thường và hạt nhân phóng từ mặt đất cùng thiết bị phóng với tầm bắn ngắn (500-1.000 km) và trung (1.000-5.500 km).

Tờ SCMP hôm 22/10 bình luận, Trung Quốc không tham gia ký kết hiệp định nên đã có thể phát triển tên lửa đạn đạo mà không bị hạn chế. Các tên lửa chuỗi DF và HN của Trung Quốc có tầm bắn lên tới 15.000 km, khiến cả nước Mỹ có thể nằm trong tầm tiếp cận.

Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng quyết định của ông Trump có thể trở thành chất xúc tác cho cả Nga và Trung Quốc tích lũy phát triển chương trình hạt nhân.

Tổng thống Putin cũng cảnh báo việc Mỹ từ bỏ hiệp ước có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới, đồng thời khẳng định sẽ đáp trả tương xứng nếu Mỹ triển khai bất cứ tên lửa mới nào tới châu Âu.

Trong bài phát biểu hôm 13/11, ông Stoltenberg nhấn mạnh: "NATO không muốn bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng chúng tôi lo lắng về các tên lửa di động, có khả năng hạt nhân và tiếp cận nhiều thành phố của châu Âu như Berlin của Nga".

"Vì vậy, chúng tôi kêu gọi Nga phải tuân thủ hiệp ước. Những kẽ hở của hiệp ước này đang hết sức nguy hiểm", ông này nói thêm./.