Thông báo của NATO nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị tổ chức cuộc họp này do tính chất nghiêm trọng của tình hình sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu trong những ngày gần đây và cũng để thông báo với Liên minh về những biện pháp mà Ankara đang triển khai. NATO đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và có lập trường thống nhất với Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO hop khan ve viec Tho Nhi Ky tan cong ca IS lan nguoi Kurd hinh anh
Bạo loạn ở Istanbul ngày 26/7 khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công cả phiến quân IS lẫn người Kurd. (ảnh: AP)

Đề nghị triệu tập họp khẩn của NATO của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra chưa đầy một ngày ngay sau khi khu vực Đông Nam  Diyarbakir nước này lại xảy ra một vụ đánh bom khủng bố nhằm vào một đoàn xe quân đội làm ít nhất 2 binh sĩ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Vụ việc được cho là do lực lượng người Kurd (PKK) thực hiện, nhằm trả đũa các cuộc không kích ráo riết của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ 3 ngày qua ở miền Bắc Iraq.

Căng thẳng tại các khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt gia tăng trong bối cảnh nước này thời gian qua chứng kiến hàng loạt các vụ tấn công khủng bố làm hàng chục binh sĩ nước này thiệt mạng. Với lý do để đáp trả các vụ tấn công do IS và lực lượng người Kurd tiến hành, chính quyền Ankara ngày 24/7 đã khởi động một chiến dịch quân sự trên cả hai mặt trận, chống khủng bố IS tại biên giới với Syria và chống lực lượng người Kurd tại miền Bắc Iraq.

Trong một tuyên bố mới nhất, Văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara không có kế hoạch đưa bộ binh vào lãnh thổ Syria mà nhất trí với Mỹ cần huy động không quân để yểm trợ cho lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Syria đang chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Trước đó 3 ngày Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự để không kích IS tại Syria.

Trước những động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Đức và một số quốc gia phương Tây khác đã lên tiếng ủng hộ và cam kết hợp tác với chính quyền Ankara. Người phát ngôn Nhà Trắng Ben Rhodes trong một cuộc họp báo ở Nairobi (Kenya) khi tháp tùng Tổng thống Mỹ công du châu Phi cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ trước các cuộc tấn công khủng bố của Đảng Công nhân người Kurd.

“Mỹ vẫn coi PKK là một tổ chức khủng bố. Chính vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ trước mối đe dọa khủng bố này. Chúng tôi một lần nữa đánh giá cao việc Ankara tham gia các nỗ lực chống khủng bố IS tại Syria cùng với liên quân quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc trong những ngày tới và sẽ đưa ra ý kiến nhằm đem lại những hiệu quả hơn nữa trong cuộc chiến chống IS ở cả Syria và Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong những nỗ lực đó.”

Mặc dù, việc tăng cường chiến dịch quân sự chống IS và nhóm lực lượngcủa Đảng Công nhân người Kurd (PKK) của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách vốn từ lâu bị phương Tây đánh giá là thiếu “rõ ràng” của chính quyền Ankara thời gian qua, nhưng các nước trong khu vực như Iran và Syria cũng đã lên tiếng cảnh báo, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải hứng chịu những đòn trả thù không chỉ từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS mà cả từ phiến quân người Kurd. Tình trạng tái xung đột nghiêm trọng với phiến quân người Kurd sẽ làm tiêu tan mọi nỗ lực hòa bình mà hai bên khó khăn kiếm tìm từ gần 30 năm qua./.