Sau cuộc họp, một số nhà ngoại giao từ chối cho biết về tiến trình thủ tục, chỉ đề cập những thông điệp từ nhiều nước trong số 30 thành viên  hoan nghênh  Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Tuy nhiên, đại sứ Litva  tại NATO Deividas Matulionis cho biết, các phái viên đã trao đổi quan điểm về an ninh quốc gia của họ nhưng rào cản để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO có thể là Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi đại diện của các quốc gia thành viên NATO nhóm họp để tìm cách mở cuộc đàm phán, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã chặn cuộc bỏ phiếu về việc bắt đầu đàm phán. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cáo buộc các nước Bắc Âu này hỗ trợ các nhóm mà Ankara coi là "khủng bố".

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cáo buộc hai nước nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), mặc dù nhóm này nằm trong danh sách đen chống khủng bố của Liên minh châu Âu.

“Phần Lan và Thụy Điển sẽ không giao những kẻ khủng bố cho chúng tôi, nhưng hai nước yêu cầu chúng tôi đồng ý với việc họ gia nhập NATO. NATO là một thực thể an ninh… do đó, chúng tôi không thể nói ‘có’ để tước bỏ quyền an ninh của tổ chức an ninh này”, Tổng thống Erdogan nói.

Croatia được cho là cũng theo chân Thổ Nhĩ Kỳ làm điều tương tự. 

Hiện NATO chưa bình luận về trở ngại trong quá trình đàm phán nhưng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Các đồng minh (NATO) sẽ xem xét các bước tiếp theo trên con đường gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Chúng tôi sẽ xem xét lợi ích an ninh của tất cả các đồng minh và các bên quyết tâm làm việc cặn kẽ về tất cả vấn đề để có thể đi đến kết luận nhanh chóng”.

Với động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia, tiến trình tại Hội đồng NATO không thể diễn ra như kế hoạch ban đầu là thông qua quyết định cần thiết để bắt đầu tiến trình kết nạp thành viên. Để gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển phải nhận được đồng thuận từ tất cả 30 thành viên, điều đó có nghĩa là chỉ cần một phiếu phản đối duy nhất cũng có thể cản trở toàn bộ quá trình gia nhập NATO, một điều kiện tương tự như quy định mở rộng EU, nhưng dài hơn và phức tạp hơn nhiều.

Dự kiến ngày 19/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thuỵ Điển Magdalena Anderson sẽ cùng sang Mỹ để vận động sự ủng hộ của Mỹ./.