Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây cho biết, bằng cách sử dụng kính thiên văn Kepler, họ đã phát hiện ra hai hệ hành tinh mới, bao gồm 3 hành tinh có kích thước gần giống với Trái đất, nằm trong "vùng sinh sống". Khoảng cách từ các hành tinh này đến một ngôi sao mà chúng quay quanh có thể có nhiệt độ phù hợp cho nước ở dạng lỏng.
Kích thước tương đối của tất cả các hành tinh trong "vùng sinh sống" được phát hiện cho đến nay cùng với Trái đất. Từ trái sang phải: Kepler-22b, Kepler-69c, Kepler-62e, Kepler-62F và Trái đất (Ảnh:. Ames NASA / JPL-Caltech) |
Kepler-62 là một hệ thống gồm 5 hành tinh là: 62b, 62c, 62d, 62e và 62F. Trong khi đó, Kepler-69 là hệ thống gồm 2 hành tinh: 69b và 69c. Trong 2 hệ thống này, Kepler-62e, 62F và 69c là các hành tinh có kích thước giống với Trái đất của chúng ta.
Thông tin được đăng tải trên website của NASA cho biết, 2 trong số các hành tinh mới được phát hiện quay quanh một ngôi sao nhỏ hơn và lạnh hơn so với Mặt trời. Hành tinh Kepler-62F có thể được cấu tạo bằng đá, có kích thước gấp 1,4 lần so với Trái đất, khiến nó trở thành hành tinh ngoài Hệ Mặt trời có kích thước gần giống với hành tinh của chúng ta nhất. Trong khi đó, Kepler-62e quay xung quanh trên cạnh của “vùng sinh sống” có kích thước lớn hơn Trái đất 1,6 lần.
Hành tinh thứ ba được phát hiện là Kepler-69c, lớn hơn Trái đất 1,7 lần. Hành tinh này quay quanh một ngôi sao tương tự như Mặt trời của chúng ta. Các nhà thiên văn học không chắc chắn về thành phần cấu tạo của Kepler-69c nhưng cho biết, quỹ đạo của hành tinh này vào khoảng 242 ngày quay xung quanh một ngôi sao giống Mặt trời và có kích thước tương tự như hành tinh láng giềng của chúng ta là sao Kim.
NASA cho biết, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu sự sống có tồn tại trên các hành tinh mới được phát hiện này hay không. Tuy nhiên, những phát hiện của họ giúp con người tiến thêm một bước trong việc tìm kiếm một thế giới có sự sống tương tự như Trái đất.
John Grunsfeld, thành viên Hội đồng quản trị của Hiệp hội nghiên cứu Khoa học tại trụ sở NASA ở Washington cho biết: "Việc phát hiện ra những hành tinh đá trong “vùng sinh sống” đưa chúng ta tới gần hơn trong việc tìm kiếm một nơi giống như ngôi nhà của chúng ta. Vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi chúng ta biết, liệu dải thiên hà là nơi có vô số các hành tinh giống Trái Đất, hay chỉ có hành tinh của chúng ta là nơi có sự sống duy nhất".
Hành tinh Kepler-69c (Ảnh:. Ames NASA / JPL-Caltech) |
Kích thước của Kepler-62F đã được xác định, tuy nhiên khối lượng và thành phần cấu tạo của nó vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu trước đây về các hành tinh đá có kích thước tương tự, các nhà khoa học có thể ước tính khối lượng của nó.
Kepler-69c nằm cách Trái Đất khoảng 2.700 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Cyngus còn Kepler-62e cách Trái Đất khoảng 1.200 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Lyra.
5 hành tinh mới được phát hiện có kích thước gấp khoảng 0,54 đến 1,95 lần Trái Đất, tuy nhiên chỉ Kepler-62e và Kepler-62F là có khả năng sinh sống.
Hành tinh Kepler-62e và Kepler-62F có tương ứng 122 và 267 ngày để hoàn thành quỹ đạo quay của chúng. Theo báo cáo chúng chỉ sáng bằng 20% độ sáng của Mặt Trời. Một nghiên cứu về hai hành tinh cho thấy cả hai đều được bao phủ hoàn toàn bởi các đại dương.
"Việc phát hiện và xác nhận sự tồn tại của các hành tinh này là một nỗ lực hợp tác của tài năng và nguồn lực, đòi hỏi chuyên môn từ cộng đồng các nhà khoa học để tạo ra những kết quả to lớn", ông William Borucki, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA tại Moffet Field, California cho biết./.