Dẫu vậy, đây vẫn được đánh giá vẫn là một bước tiến tích cực, trong mục tiêu khôi phục thỏa thuận hạt nhân trong vòng 2 tháng tới của các bên liên quan.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi dự kiến sẽ dẫn dầu đoàn quan chức Iran tới Áo đàm phán lần này. Trước khi lên đường tới Áo, một quan chức cấp cao Iran hôm qua đã nhắc lại lập trường của nước này là Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn trừng phạt với Iran. Việc chỉ gỡ bỏ một phần cũng sẽ khiến những cuộc thương lượng gián tiếp đều không được chấp nhận.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi các hãng truyền thông quốc tế lớn hôm 2/4 đưa tin, các quan chức Mỹ và Iran đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân thông qua các bên trung gian.
Hiện Mỹ cũng đã xác nhận sẽ tham dự các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna, Áo, đồng thời đề nghị đàm phán trực tiếp với Iran. Tuy nhiên phía Iran đã bác bỏ lời đề nghị này.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thừa nhận, đây là một sự khởi đầu tích cực, song vẫn có khó khăn ở phía trước: “Chúng tôi rất rõ ràng về những trở ngại còn tồn tại. Các cuộc đàm phán được tổ chức giữa các bên ký thỏa thuận bao gồm cả Iran. Các vấn đề chính sẽ được thảo luận là những bước đi hạt nhân mà Iran cần thực hiện để quay trở lại tuân thủ thỏa thuận, cũng như những bước giảm nhẹ trừng phạt mà Mỹ cũng cần thực hiện.”
Theo giới chức châu Âu, các bên kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu nay trong vòng 2 tháng.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng hoan nghênh việc nối lại đàm phán hạt nhân Iran giữa các bên sau một thời gian dài bế tắc. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các bên “không lãng phí thời gian” để đạt được mục tiêu cuối cùng.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban hỗn hợp gồm các quốc gia tham gia ký thỏa thuận - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng khẳng định, không có bất cứ giải pháp thay thế nào cho thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ông Ryabkov nhấn mạnh, tất cả các bên tham gia thỏa thuận nên thực hiện mọi nỗ lực để đưa thỏa thuận hạt nhân Iran quay trở lại khuôn khổ được thiết lập ban đầu một cách sớm nhất có thể./.