Hiện mọi sự chú ý đều đổ dồn về phía Triều Tiên, trong bối cảnh nước này nhiều lần cảnh báo sẽ chờ xem liệu cuộc tập trận này có thực sự diễn ra hay không để quyết định chính sách ngoại giao với Mỹ, cũng như quyết định liệu có tiếp tục đỉnh chỉ các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân hay không. Thời gian qua, Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, coi đây là lời cảnh báo nghiêm khắc gửi tới Mỹ và Hàn Quốc.

bat_chap_de_doa_cua_trieu_tien_my_han_tap_tran_chung_nua_thang_rlct.jpg
Một cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo hôm nay (5/8) cho biết, cuộc diễn tập sẽ tập trung vào việc kiểm chứng năng lực tác chiến ban đầu (IOC), cũng như đánh giá khả năng đảm nhận quyền chỉ huy tác chiến thời chiến của quân đội Hàn Quốc để tiến hành chuyển giao quyền này từ Mỹ. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không xác nhận hay bác bỏ thông tin cho rằng, cuộc tập trận, dự kiến sẽ được mô phỏng trên máy tính và không liên quan đến các đội quân hay thiết bị chiến đấu thực tế này, đã bắt đầu ngày từ hôm nay hay chưa:

“Chúng tôi đang trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc diễn tập quân sự chung với Mỹ nhằm đánh giá  năng tiếp nhận lại quyền chỉ huy tác chiến thời chiến từ Mỹ”, ông Choi Hyun-soo nói.

Triều Tiên trong những tuần qua đã tăng cường thử nghiệm vũ khí, đồng thời bày tỏ thất vọng về việc Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục kế hoạch tập trận chung, bất chấp việc Triều Tiên coi đây là các cuộc diễn tập xâm lược và cảnh báo có thể gây ảnh hưởng tới tiến độ đàm phán hạt nhân.

Chính phủ Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ chờ xem liệu cuộc tập trận tháng 8 có thực sự diễn ra hay không để quyết định chính sách ngoại giao với Mỹ, cũng như quyết định liệu có tiếp tục đình chỉ đơn phương các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân hay không. Hãng tin KCNA mới đây dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh, nước này chưa bao giờ ký thỏa thuận với bất kỳ quốc gia nào để hạn chế phạm vi tên lửa và các loại vũ khí khác mà họ thử nghiệm, cũng như không bị rằng buộc bởi bất kỳ yêu cầu pháp lý nào. Việc Triều Tiên đơn phương quyết định đình chỉ các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa và liên lục địa là dựa trên thiện chí và cân nhắc “quyền lực ngoại giao”.

Kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, Mỹ và Hàn Quốc đã giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn để tạo không gian cho đối thoại. Tuy nhiên, theo chính quyền Triều Tiên, bất kỳ cuộc tập trận quân sự chung nào giữa Mỹ và Hàn Quốc, dù là với quy mô lớn hay nhỏ, đều là sự vi phạm thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo.

Tiến trình đàm phán hạt nhân đã lâm vào bế tắc kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 hồi cuối tháng 2/2019, với việc hai bên không thể ra một tuyên bố chung như kỳ vọng. Nguyên nhân lớn nhất chính là những bất đồng về các biện pháp trừng phạt và tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân.

Liên tiếp các cuộc thử vũ khí gần đây của Triều Tiên, cũng như cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn đã làm giảm bớt sự lạc quan mới được nhen nhóm trở lại sau Hội nghị Thượng đỉnh “đầy ngẫu hứng” hôm 30/6 giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un tại biên giới liên Triều. Các nhà lãnh đạo khi đó đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân ở cấp độ chuyên viên bị đình trệ kể từ tháng 2, song kể từ đó không có bất kỳ cuộc họp nào được biết đến giữa hai bên./.