Báo cáo mới nhất mà Ngân hàng thế giới (WB) ngày 18/3 vừa công bố cũng cho rằng, một tỷ giá linh hoạt hơn đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với Trung Quốc.

Những ngày gần đây, những lời kêu gọi đòi tăng giá đồng NDTtrong phạm vi toàn cầu càng ngày càng tăng cao, Chính phủ Mỹ liên tục gây sức ép lên Trung Quốc về vấn đề tỷ giá đồng NDT.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã lên tiếng bảo vệ các quyết định giữ giá đồng NDT và liên tục có thái độ phản đối việc chính trị hóa vấn đề tỷ giá đồng NDT.

Ngày 14/3, tại cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc lên án mạnh mẽ những lời chỉ trích đến từ các nước khác hay việc yêu cầu đòi đồng NDT tăng giá, đồng thời còn chỉ ra rằng, giá trị đồng NDT không bị đánh giá thấp.

Ngày 18/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khẳng định, Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tỷ giá hối đoái hiện nay và bác bỏ cáo buộc rằng tỷ giá đồng NDT hiện là nguyên nhân gây thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, ông Tần Cương nêu rõ "đó là điều không công bằng và có hại khi một quốc gia tiếp tục giảm giá đồng tiền của mình, trong khi lại yêu cầu các nước khác nâng giá đồng nội tệ của họ".

NDT.jpg

Ước tính của một số nhà kinh tế cho rằng, đồng NDT của Trung Quốc bị định giá thấp hơn giá trị thực từ 25% -40%

Đề cập việc Thượng viện Mỹ ngày 16/3 đã công bố một dự luật sẽ áp đặt các hình phạt ngặt nghèo nếu Trung Quốc không định lại giá đồng NDT, ông Tần Cương nêu rõ hành động này không chỉ gây tổn hại quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu, đặc biệt trong thời điểm then chốt hiện nay khi nền kinh tế toàn cầu mới bắt đầu phục hồi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng những hành động như vậy là một "ví dụ xấu" của chủ nghĩa bảo hộ và mong rằng “Mỹ nới lỏng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao cho Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại Trung-Mỹ phát triển cân đối”.

Cho tới nay, Mỹ vẫn cáo buộc Trung Quốc tạo lợi thế không công bằng trong thương mại khi duy trì đồng NDT ở mức thấp, với ước tính của một số nhà kinh tế cho rằng, đồng NDT của Trung Quốc bị định giá thấp hơn giá trị thực từ 25% -40%.

Theo các nhà sản xuất Mỹ, đây là lý do chính khiến thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng lớn, lên tới 227 tỷ USD trong năm ngoái và trở thành mức thâm hụt thương mại lớn nhất giữa Mỹ với các nước trên thế giới.

Ngày 18/3, đại diện của WB tại Trung Quốc công bố “Báo cáo quý của kinh tế Trung Quốc”. Theo báo cáo, bằng việc nâng giá đồng NDT, Trung Quốc có thể sẽ thông qua việc hạ thấp giá hàng hóa nhập khẩu và kích thích nhu cầu tiêu dùng đang xuống dốc để giúp làm giảm đi áp lực lạm phát của Trung Quốc. Đồng thời, việc này cũng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được bình đẳng hơn, chuyển sự phụ thuộc vào đầu tư và công nghiệp sang phụ thuộc vào ngành dịch vụ và nhu cầu nội địa./.