Ngày 26/8, Mỹ đã công bố một số giới hạn thị thực và xuất khẩu đối với các công ty do Nhà nước Trung Quốc sở hữu cũng như lãnh đạo các công ty này liên quan tới việc thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Hành động của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ áp dụng đối với một loạt các doanh nghiệp nhà nước sở hữu bao gồm các đơn vị của Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc (China Communications Construction Co., một nhà thầu hàng đầu cho Sáng kiến Vành đai - Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình. Sáng kiến này nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và các mối liên kết thương mại xuyên suốt châu Á, châu Phi và một số khu vực khác.
Mỹ tuyên bố sẽ bổ sung 24 công ty đang nạo vét ở khu vực Biển Đông bao gồm 5 chi nhánh của công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc vào danh sách mà các công ty Mỹ bị hạn chế cung cấp công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ mà không có giấy phép. Lãnh đạo các công ty này cũng sẽ bị hạn chế cấp thị thực vào Mỹ vì bị cáo buộc đã tham gia các hoạt động ở Biển Đông.
Động thái của Mỹ diễn ra sau khi Washington tháng 7 tuyên bố phản đối một loạt các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết quyết định này là một phần của nỗ lực nhằm duy trì luật pháp quốc tế chống lại cái mà ông gọi là chiến dịch “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” của Trung Quốc nhằm cưỡng ép và đe dọa các nước láng giềng Đông Nam Á phải nhường các lợi ích của mình trong khu vực.
Trên Twitter cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh động thái của Mỹ nhằm bảo vệ tự do trên biển và phản đối việc cưỡng ép các đối tác và đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á. Ông Pompeo cũng tuyên bố Mỹ sẽ không cho phép chiến dịch bắt nạt của Bắc Kinh nhằm ngăn cản các nước khác tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng ngoài khơi cũng như làm hại tới hệ thống sinh thái đang gặp nguy hiểm.
Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell đã so sánh Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc và các doanh nghiệp nhà nước khác tham gia các hoạt động của Trung Quốc ở Đông Nam Á với Công ty Đông Ấn thời hiện đại, tập đoàn hùng mạnh từng củng cố đế chế thuộc địa Anh.
Theo một quan chức trong chính quyền Mỹ, hành động của Mỹ là một phần của nỗ lực dán nhãn cho Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc là “Huawei của cơ sở hạ tầng, ám chỉ tập đoàn viễn thông số một của Trung Quốc. Mỹ đã tham gia một chiến dịch nhiều năm nhằm ngăn cản sự mở rộng toàn cầu của Huawei vì cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng công ty này để theo dõi người sử dụng. Cáo buộc này đã bị Huawei bác bỏ.
Quan chức nói trên cũng cáo buộc Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc và các chi nhánh của mình tham gia các hoạt động tham nhũng và phá hoại môi trường trong một số dự án ở Sri Lanka, Malaysia, Kenya, Tanzania, Philippines và một số nơi khác.
Cả Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ đều chưa có phản hồi về động thái của Mỹ./.