Cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên Mỹ - Trung lần thứ 5 sẽ bắt đầu vào ngày mai (11/7 - theo giờ Mỹ) tại Washington DC. Mô hình đối thoại này được khởi xướng vào năm 2009 nhằm giúp 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới xử lý những vấn đề phức tạp trong quan hệ song phương.
Diễn ra chỉ 1 tháng sau cuộc gặp không chính thức giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình tại California, vòng đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung thứ 5 được xem là bước đi tiếp theo để hiện thực hoá những thoả thuận mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được.
Chương trình nghị sự sẽ tập trung vào một loạt các vấn đề như an ninh mạng, tình hình Triều Tiên và Syria, tranh chấp biển tại châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ quân sự song phương, kinh tế, đầu tư và biến đổi khí hậu.
Hai bên sẽ bàn thảo các biện pháp đảm bảo mối quan hệ thương mại và đầu tư cởi mở, cân bằng và cùng có lợi, đồng thời đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế của từng nước và tìm cách xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu vững mạnh hơn.
Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc tăng cường bảo vệ và thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, xây dựng cơ chế quản lý tỷ giá và lãi suất dựa trên nguyên tắc thị trường, đẩy mạnh cải cách tài chính và hỗ trợ các công ty tư nhân.
Chuyên gia Eswar Prasad thuộc Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) nhận định về triển vọng của vòng đối thoại lần này trong lĩnh vực kinh tế: “Tại vòng đối thoại thứ 5, hai bên sẽ thảo luận rất nhiều về kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn những vấn đề nóng nhất hiện nay lại nằm trong lĩnh vực chính trị và an ninh và do vậy, trên nguyên tắc, các cuộc bàn thảo về kinh tế nhiều khả năng sẽ dễ dàng hơn”.
Trong những năm gần đây, đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung đã mang tính thực chất hơn với việc thành lập các nhóm công tác về biến đổi khí hậu và an ninh mạng, tạo nên một cơ chế trao đổi toàn diện và liên tục giữa 2 bên.
Kenneth Lieberthal, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm John Thornton (Mỹ) cho biết: “Đối thoại chiến lược trong những năm gần đây đã có những thay đổi quan trọng, trở thành một quy trình thay vì một sự kiện mang nặng tính hình thức với các quan chức 2 bên gặp nhau 1 năm một lần trong 2 ngày để thảo luận tất cả các vấn đề như trước đây. Tại đối thoại lần này, các bên sẽ xem xét báo cáo của các nhóm công tác và đưa ra hướng dẫn thực hiện công việc trong thời gian tới. Như vậy, cuộc gặp đã mang tính chiến lược thực sự và trở thành một phần chiến lược trong quá trình thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước”.
Tham dự vòng đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung 2013 gồm 30 quan chức cấp cao của 2 bên, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc - Dương Khiết Trì./.