bieu-tinh-ukraina-bce76.jpg
(Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry đã một lần nữa nhấn mạnh về cái giá phải trả đối với các bên liên quan nếu chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không được bảo đảm. Tuy vậy, cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này vẫn đang để ngỏ.

Phát biểu tại buổi tiếp Thủ tướng Ailen, Enda Kenny tại Nhà Trắng vào sáng sớm nay (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Obama đã bày tỏ hy vọng về một giải pháp ngoại giao trong vấn đề Ukraine, nhưng cũng cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra nếu Moscow từ chối nới lỏng kiểm soát đối với khu vực Crimea.

“Chúng tôi tiếp tục hy vọng có thể tìm được một giải pháp ngoại giao. Nhưng Mỹ và Liên minh châu Âu đã thống nhất lập trường, không chỉ trong thông điệp về chủ quyền của Ukraine mà còn cả về những hậu quả nếu như chủ quyền của Ucraina tiếp tục bị vi phạm”.

Tổng thống Mỹ cũng đánh giá cao vai trò của Ailen trong EU cũng như sự ủng hộ của nước này đối với Mỹ trong giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.  

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp kéo dài 6 giờ với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại London (Anh), trong nỗ lực tháo ngòi nổ tại Ukraine.

Phát biểu với báo giới, ông Kerry cho biết 2 bên đã trao đổi một cách thẳng thắn và Mỹ đã đưa ra một số đề xuất vừa có thể đảm bảo chủ quyền của Ukraine vừa giải quyết được những quan ngại của Nga. Theo Ngoại trưởng Kerry, Mỹ tin là những đề xuất trên có thể mở ra một giải pháp cho tất cả các bên. Tuy nhiên, ông Kerry cũng tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea dự kiến diễn ra vào Chủ nhật tới là trái với Hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế. Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu đó.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ Tổng thống Vladimir Putin sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến Ukraine cho đến sau cuộc trưng cầu ý dân.   

Washington đang đưa ra những dấu hiệu cho thấy cuộc gặp tại London và những sự kiện liên quan tới cuộc trưng cầu ý dân là cơ hội cuối cùng để Nga tránh được các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU.

Cùng ngày, một phái đoàn của Thượng viện Mỹ do Thượng nghị sỹ John McCain dẫn đầu đã đến thủ đô Kiev nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền lâm thời tại Ukraine. Các thượng nghị sỹ Mỹ đã gặp quyền Tổng thống nước chủ nhà Oleksander Turchinov.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm nay cho rằng tình hình Ukraine đang bước vào thời điểm bước ngoặt. Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ, ông Ban Ki-moon cảnh báo việc các bên tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn sẽ gây ra mối nguy hiểm rất lớn và khiến tình hình càng xấu hơn. Theo ông Ban Ki-moon, Hội đồng Bảo an đã họp rất nhiều lần về vấn đề Ukraine nhưng vẫn chưa thể làm dịu tình hình.

 “Tôi hối thúc tất cả các bên liên quan tránh các hành động khiêu khích và đưa ra bất kỳ quyết định vội vàng nào trong những ngày tới. Ưu tiên lúc này là đối thoại trực tiếp nhằm đạt được sự thống nhất về các bước đi cụ thể, qua đó mở đường cho một giải pháp ngoại giao”./.