Nhà Trắng hôm 13/12 tuyên bố bây giờ không phải là thời điểm để đối thoại với CHDCND Triều Tiên, đi ngược lại những gì mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra trước đó rằng, nước Mỹ sẵn sàng đàm phán mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào.
Điều này cho thấy những bất đồng trong chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tuyên bố phóng thử tên lửa với mục tiêu bao trùm toàn bộ nước Mỹ.
Nhà Trắng bác bỏ đề xuất của Ngoại trưởng Tillerson về việc đàm phán không điều kiện với Triều Tiên, khẳng định Mỹ sẽ không đàm phán với Triều Tiên trừ khi nước này thay đổi cách hành xử của mình. Tuyên bố này dường như đóng cánh cửa ngoại giao với Triều Tiên, chỉ vài giờ sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của nước Mỹ để mở khả năng đối thoại- động thái được nhiều nhà phân tích xem là dấu hiệu về một sự chuyển hướng trong chính sách nhất quán của Mỹ với Triều Tiên. Phát biểu trước đó, Ngoại trưởng Tillerson khẳng định "chúng tôi sẵn sàng đàm phán bất kì lúc nào Triều Tiên muốn đối thoại, và chúng tôi sẵn sàng có cuộc gặp đầu tiên mà không có bất kì điều kiện tiên quyết nào".
Ông Tillerson nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn Triều Tiên tham gia đối thoại. Tuy nhiên họ cần tham gia đối thoại với quan điểm rằng họ muốn có lựa chọn khác. Quân đội Mỹ hùng mạnh sẵn sàng đối phó với bất cứ mối đe dọa nào của Triều Tiên và lực lượng vũ trang Mỹ cũng được lệnh sẵn sàng đối mặt với bất cứ tình huống nào có thể xảy ra . Tuy nhiên tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao cho đến khi những quả bom đầu tiên được ném xuống. Tôi hi vọng những nỗ lực này sẽ mang lại kết quả”.
Phủ nhận những bất đồng trong cách tiếp cận với Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm qua (13/12) khẳng định Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng đồng quan điểm trong vấn đề Triều Tiên. Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh để tham gia đàm phán, Triều Tiên phải dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Ngoại trưởng Tillerson "không tạo ra một chính sách mới. Mỹ duy trì kênh đối thoại khi Triều Tiên sẵn sàng đối thoại một cách nghiêm túc về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên."
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Tillerson có bất đồng quan điểm liên quan đến các chính sách ngoại giao của Mỹ, không chỉ vấn đề Triều Tiên mà còn các vấn đề lớn như thỏa thuận hạt nhân Iran, khủng hoảng Vùng Vịnh.
Trump-Tillerson lại “vênh” nhau về Triều Tiên: Nguy cơ tính toán sai
Những thông điệp trái chiều trong chính sách ngoại giao của chính quyền Mỹ Donald Trump về Triều Tiên cũng đặt ra câu hỏi về vị trí của Ngoại trưởng Mỹ, khi trước đó có nhiều thông tin về việc Tổng thống Mỹ đang lựa chọn thay thế ông Tillerson. Tổng thống Donald Trump đã từng thẳng thừng tuyên bố ông Tillerson đang “phí thời gian” khi sử dụng giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Theo chuyên gia phân tích chính trị tại Mỹ Suzanne DiMaggio, những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ cho thấy vẫn có nhận thức rõ ràng trong chính quyền Mỹ về việc cần thiết phải tránh đối đầu trực tiếp với Triều Tiên. Đây cũng là một giải pháp được nhiều nước trong đó có cả Liên Hợp Quốc ủng hộ.
Phát biểu tại buổi họp báo đánh giá kết quả chuyến thăm Triều Tiên mới đây, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman hôm qua (13/12) tiếp tục kêu gọi các bên mở các kênh liên lạc để giảm nguy cơ xung đột.
Ông Feltman nói: “Tôi nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phải cam kết một giải pháp hòa bình đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên, đoàn kết lập trường phản đối Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân. Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở lại các kênh tiếp xúc cũng như đường dây nóng quân sự , giảm các nguy cơ , ngăn chặn những hiểu lầm và kiểm soát cuộc khủng hoảng”.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích chính trị Mỹ DiMaggio cũng cảnh báo, cơ hội đối thoại sẽ không còn nhiều, vì vậy điều quan trọng và cần thiết hơn cả là chính quyền Mỹ cần phải có một tiếng nói thống nhất về Triều Tiên. Chuyên gia về chương trình hạt nhân của Triều Tiên tại Viện Công nghệ Massachusetts Vipin Narang nhận định, sự thống nhất trong cách tiếp cận của Mỹ có thể giúp tăng cường tính răn đe của Mỹ đối với Triều Tiên./.