Đã 4 ngày trôi qua, thỏa thuận “giảm bạo lực” 1 tuần hay còn được gọi là lệnh ngừng bắn 1 phần giữa tất cả các bên tại Afghanistan, vẫn đang chuyển biến tích cực. Nếu thỏa thuận này thành công, Mỹ và lực lượng phiến quânTaliban sẽ tiến tới việc ký kết 1 thỏa thuận hòa bình “lớn hơn”, qua đó Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan theo từng giai đoạn với những điều kiện đi kèm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đi khởi đầu và tiến trình hòa bình Afghanistan vẫn phải trông chờ vào chính người dân quốc gia Tây Nam Á này.

afghanistan_bouq_anxk.jpg
Binh sĩ Mỹ tuần tra tại căn cứ thuộc tỉnh Logar, Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Từ 0h sáng ngày 22/2 (theo giờ địa phương), thỏa thuận giảm bạo lực trên toàn Afghanistan đã có hiệu lực. Ngày 23/2, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, ông Robert O'Brien cảnh báo, Mỹ có thể sẽ không ký thỏa thuận hòa bình với nhóm phiến quân Taliban nếu nhóm này không tuân thủ thỏa thuận giảm bạo lực này.

Tuy nhiên, ngày hôm qua (25/2) Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và trước đó là Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Asadullah Khalid  đều xác nhận rằng, thỏa thuận giảm bạo lực này đang phát huy tính hiệu quả. Cụ thể là các vụ tấn công của phiến quân Taliban đã giảm bớt một cách rõ rệt. Nếu không có gì thay đổi trong 3 ngày còn lại của thỏa thuận, Mỹ và Taliban có thể ngay lập tức ký kết 1 thỏa thuận hòa bình, với sự phối hợp của cả chính phủ Afghanistan.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua (25/2) cho biết: “Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn giảm bạo lực kéo dài 7 ngày, tính từ ngày 22/2. Trong 19 năm của cuộc chiến, đây là lần đầu tiên tất cả các bên ngừng bạo lực. Nếu thỏa thuận thành công và chỉ có như vậy, chúng tôi mới ký thỏa thuận Mỹ - Taliban với sự phối hợp với chính phủ quốc gia Afghanistan, vào ngày 29/2 hoặc trong khoảng thời gian đó. Thỏa thuận sẽ bảo gồm các mốc thời gian rút quân và việc các bên Afghanistan bước vào đàm phán”.

Hiện chính phủ Afghanistan cũng đã tỏ ý sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Taliban sau khi Mỹ rút quân. Tổng thống tái đắc cử nước này Ashraf Ghani cho biết: “Nhân cơ hội này, chúng tôi muốn nêu ra những yêu cầu của người dân, là Taliban nên chấp nhận ngừng bắn, bắt đầu đàm phán. Hiện Taliban đã chấp thuận giảm bạo lực – đây là bước đi cần thiết để hướng tới 1 thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình lâu dài”.

Trước đó, trong 1 tuyên bố, người phát ngôn lực lượng Taliban Zabihullah Mujahid cũng xác nhận có thể ký thỏa thuận hòa bình với Mỹ vào ngày 29/2, trước sự chứng kiến của các nhà quan sát quốc tế. Theo nhận định mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện lực lượng Taliban cũng đã quá mệt mỏi với cuộc chiến và họ đang rất muốn có 1 thỏa thuận với Mỹ.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, đây cũng là mong muốn của nước này và giờ là thời điểm binh sĩ Mỹ tại Afghanistan nên trở về: “Chúng tôi đã ở đó 19 năm. Chúng tôi giống như 1 lực lượng thực thi pháp luật. Chúng tôi nghĩ Taliban đang muốn có 1 thỏa thuận. Chúng tôi cũng vậy. Như bạn đã biết, chúng tôi đã có 1 thỏa thuận giảm bạo lực trước khi 2 bên có 1 thỏa thuận lớn hơn. Nó đang được giữ vững. Tôi nghĩ Taliban đã quá mệt mỏi vì phải chiến đấu”.

Đến nay, cuộc chiến tại Afghanistan là cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Các số liệu thống kê cho thấy kể từ khi bắt đầu triển khai quân đội tại Afghanistan vào năm 2001, số binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại đây đã vượt quá 2.400 người. Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện chính sách “nước Mỹ trước tiên” và muốn không muốn đưa binh sĩ Mỹ vào những cuộc chiến “bất tận”. Từ năm 2018, các cuộc đàm phán hòa bình “thực sự” giữa Mỹ và Taliban đã bắt đầu và đã có nhiều triển vọng. Đã có thời điểm 2 bên đều tuyên bố “đang ở rất gần” với 1 thỏa thuận hòa bình, song những vụ tấn công bạo lực của Taliban vào thời điểm nhạy cảm ấy đã khiến tiến trình đàm phán giữa 2 bên bị đình chỉ, điển hình là vào tháng 9 và tháng 12/2019./.