Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm 31/7/2019 công bố rằng Mỹ sẽ gia hạn lệnh miễn trừ các lệnh trừng phạt chính của nước này đối với 5 chương trình hạt nhân của Iran thêm tổng cộng 90 ngày.

nha_may_nuoc_nang_iran_zkzx.jpg
Một nhà máy nước lặng ở Arak, Iran. Ảnh: Fars News.

Ông Bolton phát biểu trong 1 phỏng vấn với Fox Business: “Ý ở đây là chúng tôi sẽ theo dõi các hoạt động hạt nhân này rất sát sao. Vì vậy đây là một sự gia hạn rất ngắn, kéo dài 90 ngày.”

Trước đó trong ngày 31/7, một nguồn tin giấu tên nói với tờ Washington Post rằng “các lệnh miễn trừ này có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, tùy theo diễn biến tình hình Iran, nhưng do các mối quan ngại chính đáng của Bộ Tài chính Mỹ, nên chúng tôi đã quyết định gia hạn vào lúc này”.

Đây sẽ là lần thứ 2 Mỹ gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt đối với các nhà máy điện [hạt nhân] Arak, Fordow, Bushehr của Iran.

Các lệnh miễn trừ này cho phép Nga, Trung Quốc và các quốc gia châu Âu tiếp tục các dự án với các cơ sở hạt nhân trên đất Iran mà không gặp phải lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Các dự án hợp tác hạt nhân dân sự của các nước liên quan đã được thiết lập theo các hướng dẫn đề ra trong Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện 2015 (JCPOA), còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran. Thỏa thuận này sụp đổ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018.

Hôm 30/7, Washington đưa ra lời yêu cầu chính thức London, Paris và Berlin tham gia cùng họ trong cuộc chiến chống điều mà họ cáo buộc là sự gây hấn của Tehran ở eo biển Hormuz.

Đức và Pháp tỏ ra ngần ngại về chiến dịch “áp lực tối đa” của Mỹ, còn Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ra thông cáo kêu gọi một giải pháp ngoại giao, phi quân sự.

Maas nói: “Chúng tôi phải thực hiện mọi nỗ lực để tránh leo thang căng thẳng ở eo biển Hormuz... Chúng tôi sẽ tìm kiếm giải pháp làm giảm căng thẳng. Không thể dùng giải pháp quân sự đối với vấn đề này”./.