Sau hơn 1 năm cầm quyền, chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt với những chỉ trích từ đảng Cộng hòa vì thiếu chiến lược chính thức để ứng phó với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hồi tháng 2, trong đó cam kết cam kết dành nhiều nguồn lực ngoại giao và an ninh hơn cho khu vực để chống lại nỗ lực của Trung Quốc gây ảnh hưởng trong khu vực.

Chính phủ Mỹ cho biết đang thực hiện một chiến lược riêng cho Trung Quốc, nhưng bị phân tâm do xung đột Ukraine. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney lưu ý đạo luật ủy quyền quốc phòng mới nhất yêu cầu Tổng thống phát triển một chiến lược toàn diện để giải quyết những ảnh hưởng mà Trung Quốc gây ra đối với trật tự toàn cầu và chất vấn Tổng thống về thỏa thuận quân sự mà Quần đảo Solomon và Trung Quốc ký gần đây.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử một phái đoàn cấp cao đến Quần đảo Solomon, để xúc tiến kế hoạch mở đại sứ quán. Liên quan đến ngoại giao khu vực, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị Thượng đỉnh ở Washington diễn ra vào ngày 12 và 13/5 và ông dự kiến sẽ thăm châu Á, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, vào cuối tháng 5./.