Mỹ đã phớt lờ đề nghị của Nga về việc cung cấp thêm bằng chứng về việc Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Lời cáo buộc này được đưa ra tại một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về báo cáo cuối cùng của ông Ake Sellstrom - Trưởng nhóm thanh sát viên vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc tại Syria.

vitaly.jpg
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin (Ảnh: UN)

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp ngày 16/12 tại trụ sở LHQ ở thành phố New York, Mỹ, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nêu rõ: “Phía Mỹ đã phớt lờ yêu cầu của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng chứng minh Chính phủ Syria có liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Việc thiếu bằng chứng là đặc biệt nguy hiểm. Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết tại cuộc thảo luận. Theo chúng tôi, những lập luận cả về mặt kỹ thuật cũng như những đoạn băng video mà một số bên đưa ra để chứng minh Chính phủ Syria có sử dụng vũ khí hóa học là chưa mang tính thuyết phục”.

Theo nhà ngoại giao Nga, các cáo buộc cho rằng Syria sử dụng vũ khí hóa học, trong đó có vụ tấn công bằng khí độc thần kinh nhằm vào một khu dân cư hôm 21/8 vừa qua khiến hàng trăm người thiệt mạng, là không thuyết phục. Tái khẳng định lập trường của Nga ủng hộ Syria, Đại sứ Churkin nhấn mạnh: Syria không có lý do thỏa đáng để sử dụng vũ khí hóa học vì hành động tấn công bằng vũ khí hóa học tại khu dân cư Đông Gouta trên chỉ dẫn đến hậu quả là sự đáp trả quân sự đối với chính phủ nước này.

Đáp lại, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samatha Power tuyên bố chính quyền của Tổng thống Barack Obama không có bằng chứng về việc phe đối lập Syria đã từng hoặc đang sử dụng vũ khí hóa học. Trái ngược với lập trường của Nga, Mỹ tin rằng Syria đã sử dụng vũ lực đối với người dân của mình.

Những tuyên bố trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi nhóm thanh sát viên Liên Hợp Quốc tại Syria công bố bản báo cáo, cho biết vũ khí hóa học đã được sử dụng ít nhất 5 lần trong cuộc nội chiến tại Syria và đã có một số trường hợp trẻ em là nạn nhân của các cuộc tàn sát. Tuy nhiên, văn kiện này chưa khẳng định trách nhiệm của các bên liên quan đến việc sử dụng loại vũ khí chết người này.

Tấn công bằng vũ khí hóa học không chỉ là nguyên nhân dẫn tới sự bất đồng giữa các nước phương Tây và Nga mà còn từng dấy lên nguy cơ về sự can thiệp quân sự nước ngoài vào quốc gia Trung Đông này.

Hồi tháng 9 vừa qua, Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Syria tuân thủ kế hoạch do Nga và Mỹ soạn thảo, theo đó quy định tất cả vũ khí hóa học của nước này phải được đặt dưới sự kiểm soát quốc tế vào giữa năm 2014./.