Kế hoạch của Mỹ đang đạt được những kết quả khả quan tại châu Âu khi Anh mới đây đảo ngược lập trường, cấm cửa Tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Lo ngại hiệu ứng Domino “tẩy chay” lan rộng, Trung Quốc được cho là đang cân nhắc biện pháp đáp trả, “răn đe” các nước châu Âu khác tiếp bước theo Anh. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) và người đồng cấp Anh Dominic Raab. (Ảnh: Getty).

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) và người đồng cấp Anh Dominic Raab. (Ảnh: Getty)

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thảo luận về hệ thống mạng viễn thông 5G, triển vọng thỏa thuận thương mại tự do, chính sách đối ngoại và an ninh toàn cầu cả hai cùng quan tâm, bao gồm quan hệ với Trung Quốc, Iran và tiến trình hòa bình Trung Đông.

Trong chuyến thăm tới Anh lần này, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ có những lời chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc, liên quan đến các tuyên bố phi pháp trên biển, cách phản ứng với dịch Covid-19... Ông Pompeo hy vọng, Mỹ có thể xây dựng một liên minh toàn cầu nhằm hợp nhất các nỗ lực để đối phó với các hành động của Trung Quốc:

“Chúng tôi nghĩ rằng cả thế giới cần hợp tác với nhau để đảm bảo các quốc gia bao gồm Trung Quốc phải hành xử theo cách phù hợp và tuân thủ trật tự quốc tế. Chúng tôi mong muốn tất cả các quốc gia hiểu rõ những giá trị của sự tự do và dân chủ, các mối đe dọa. Do đó cần có hợp tác tập thể để bảo vệ những quyền đó”, Ngoại trưởng Pompeo nói.

Liên tiếp các chuyến thăm của quan chức Mỹ đến châu Âu những tuần qua cho thấy quyết tâm của Mỹ muốn xây dựng một liên minh chống Trung Quốc. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien tuần trước cũng có chuyến thăm 3 ngày đến châu Âu, thảo luận với các đồng minh Anh, Pháp, Italy và Đức để thúc đẩy lập trường chung chống lại phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Với việc Anh những ngày qua đưa ra hàng loạt các bước đi chống lại Trung Quốc, quan trọng nhất là đảo ngược quyết định cấm cửa Tập đoàn Huawei, tác động lớn đến các quốc gia châu Âu khác cho thấy kế hoạch của Mỹ đang đạt được những kết quả khả quan. Hiện cũng có một làn sóng nghi ngại gia tăng tại châu Âu đối với khả năng hợp tác với Tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Trước kế hoạch của Mỹ, Trung Quốc cũng đang cân nhắc các bước đi trả đũa để “ răn đe” các nước châu Âu khác tiếp bước Anh và Mỹ cấm cửa Huawei. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc không loại trừ khả năng trả đũa hãng viễn thông Nokia của Phần Lan và hãng công nghệ Ericsson của Thụy Điển, nếu các nước EU này tiếp bước Anh và Mỹ ngăn chặn Huawei phát triển mạng 5G.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm qua (21/7) cũng kêu gọi Anh phải có những bước đi sửa sai sau tuyên bố dừng Hiệp ước dẫn độ với Hong Kong.

“Trung Quốc sẽ đưa ra các bước đi đối phó đối với những hành động sai lầm của Anh. Các biện pháp và tuyên bố của Anh liên quan đến Hồng Công đã vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, các tiêu chuẩn cơ bản của mối quan hệ quốc tế và can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ và các bước đi này sẽ dẫn đến những hành động đáp trả”, ông Uông Văn Bân.

Tham vọng của Mỹ về một liên minh toàn cầu chống Trung Quốc sẽ khó đạt hiệu quả nếu như Mỹ không nhận được sự ủng hộ trước tiên từ chính các quốc gia đồng minh châu Âu. Điều này đặt các quốc gia châu Âu đứng trước lựa chọn khó khăn, với việc cân nhắc hàng loạt các yếu tố, từ lợi ích quốc gia, áp lực của Mỹ đến mối quan hệ đối tác sẵn có mà EU đã thiết lập với Trung Quốc./.