Ngày 21/8, lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản và lính thủy đánh bộ Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung trên một số đảo của Mỹ tại Thái Bình Dương. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang tăng nhiệt do vấn đề tranh chấp biển đảo, cuộc tập trận Mỹ- Nhật lần này không đơn thuần là một hoạt động hợp tác quân sự song phương mà còn như một thông điệp gửi tới Trung Quốc về sức mạnh của quân đội Nhật Bản.

Thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc

Việc Mỹ- Nhật tập trận chung không phải là chuyện lạ, song đây là lần đầu tiên hai nước tập trận trên thực địa với tiêu chí bảo vệ đảo. Cuộc tập trận kéo dài từ ngày 21- 26/9 bao gồm huy động tàu chiến, trực thăng và hàng trăm binh sĩ để cùng thực nghiệm các phương án tập kích, tấn công đối phương và giải cứu dân thường.

Mặc dù thông tin chính thống của Nhật Bản cho rằng, cuộc diễn tập quân sự này không nhằm vào một quốc gia nào nhưng một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ, tập trận được tiến hành dựa trên giả thiết về cách thức phòng thủ đảo của Nhật Bản khi xảy ra tình huống quân đội Trung Quốc xâm lược đảo Senkaku, mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Dù hiểu theo cách nào thì cũng có thể thấy rằng, cuộc tập trận Mỹ- Nhật là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc. Thông điệp chứng tỏ 2 điều: thứ nhất là khả năng răn đe của quân đội Nhật Bản và thứ hai là sự đoàn kết giữa 2 đồng minh Mỹ- Nhật trong bất cứ tình huống an ninh nào có thể xảy ra tại khu vực biển Đông Bắc Á.

Dù Mỹ không tuyên bố chính thức đứng về phía nào trong các bên tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng dư luận cho rằng, Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trong trường hợp xảy ra xung đột bởi việc bảo vệ quần đảo tranh chấp này nằm trong phạm vi của Hiệp ước Hợp tác và An ninh song phương Mỹ- Nhật ký kết từ năm 1960.   

Nhật-Trung cân nhắc sự ảnh hưởng của việc tranh chấp lãnh thổ

Những ngày vừa qua, các vụ “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến tranh chấp biển đảo leo thang liên tục. Tokyo đã bắt giữ 14 nhà hoạt động Trung Quốc vì đã đặt chân lên một hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Những người này đã bị Nhật Bản trục xuất ngày 17/8 sau khi hai bên có những tuyên bố phản đối lẫn nhau xung quanh vụ việc. Chỉ 2 ngày sau đó, 10 nhà hoạt động của Nhật Bản tới cắm cờ Nhật tại khu vực đảo tranh chấp.

Phía Trung Quốc ngay lập tức phản đối gay gắt và nhiều cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã diễn ra tại Trung Quốc những ngày vừa qua. Với những diễn biến này, nhiều người cho rằng, căng thẳng Trung- Nhật sẽ lên tới đỉnh điểm, đe dọa nghiêm trọng quan hệ song phương giữa cường quốc khu vực này. Lẽ dĩ nhiên, môi trường an ninh và ổn định tại Đông Bắc Á cũng vì thế mà trở nên mong manh hơn.

Tranh chấp chủ quyền bao giờ cũng phức tạp và khó giải quyết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, có lẽ cả Nhật Bản và Trung Quốc vẫn đủ tỉnh táo để biết điểm dừng của việc trả đũa lẫn nhau. Đành rằng đây là giai đoạn chuẩn bị bước vào cuộc chuyển giao quyền lực tại cả hai nước, vì vậy, các nhà lãnh đạo hai bên đều muốn thể hiện bản lĩnh trước dư luận. Và điều mà giới chính trị gia lựa chọn thường là bày tỏ quan điểm về vấn đề lãnh thổ. Song sẽ là không khôn ngoan nếu để vấn đề tranh chấp lãnh thổ vượt khỏi vòng kiểm soát và gây nguy hại cho các mối quan hệ khác, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế.  

Nhìn vào những động thái vừa qua của Nhật Bản, có thể thấy Tokyo đã có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn khi thả 14 nhà hoạt động của Trung Quốc chứ không giam giữ và xét xử như họ đã làm đối với 1 thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc vào năm 2010. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng dự kiến sẽ thay đại sứ tại Trung Quốc, có thể là vào tháng 10 tới với mục đích hóa giải bớt căng thẳng trong tranh chấp biển đảo. Vì thế, với cuộc tập trận lần này, Nhật Bản có lẽ muốn cảnh báo hơn là muốn khiêu khích người hàng xóm của mình.

Tuy nhiên, đây mới là động thái từ phía Nhật Bản, bầu không khí tại khu vực Đông Bắc Á có thể dịu lại hay không còn phụ thuộc vào lập trường của Trung Quốc. Và dư luận vẫn đang chờ xem các diễn biến tiếp theo sẽ theo chiều hướng nào./.