Trong khi đó 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã có một phiên họp kín bàn về một giải pháp hiệu quả giúp thoát khỏi tình trạng khủng hoảng ở Syria.

“Chúng tôi đã giao cho Mỹ kế hoạch của mình nhằm thiết lập một sự kiểm soát quốc tế cho các loại vũ khí hóa học của Syria và chúng tôi hi vọng là sẽ thảo luận về vấn đề này tại cuộc gặp ở Geneva,” thông tin từ phái đoàn Nga sẽ tháp tùng Ngoại trưởng Lavrov trong cuộc tham vấn của ông với người đồng câp Mỹ John Kerry tại cuộc gặp này.

Cũng thời điểm đó, Nga được cho là đã trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bằng chứng về việc phiến quân Syria đứng đằng sau việc sử dụng vũ khí hóa học ở nước này.

syria_copy.jpg
Tương lai của Syria vẫn còn chưa ngã ngũ (Ảnh Washington Post)

“Chúng tôi cũng đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an các tài liệu chứng minh rằng vũ khí hóa học được sử dụng bởi lực lượng chống đối,” Đại sứ Nga tại Lebanon Aleksandr Zasypkin phát biểu trên kênh Al Mayadeen.

Ngày 11/9 tại New York, phái đoàn của 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã gặp và thảo luận về kế hoạch do Nga đề xuất cũng như tìm kiếm một tiếng nói chung cho một nghị quyết của Liên Hợp Quốc ủng hộ kế hoạch này.

“Cuộc thảo luận giúp mở đường cho cuộc gặp gỡ ngày 12/9 ở Geneva”, một nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho hay.

Tuy nhiên Đại sứ của 5 nước thành viên thường trực từ chối không đưa ra bình luận gì.

Ngay sau cuộc đàm phán, các nhà ngoại giao của Mỹ, Pháp và Anh được cho là đã thống nhất về một dự thảo chấp thuận đề xuất của Nga nhưng vẫn đòi hỏi phải đưa ra tối hậu thư và các biện pháp trừng phạt với chính quyền Syria.

Dự thảo này được đưa ra trong đêm của cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Geneva bàn về vấn đề vũ khí hóa học ở Syria. Cuộc gặp này sẽ diễn ra trong hai ngày hoặc có thể lâu hơn, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki phát biểu trong một cuộc họp báo.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hy vọng rằng cuộc gặp Nga-Mỹ sẽ giúp tìm ra một phản ứng thích hợp cho tình hình Syria và sẽ diễn ra trong không khí xây dựng nhằm hướng tới một tiến trình giải quyết các nguy cơ về vũ khí hóa học.

Mặc dù các nguồn tin của phái đoàn Nga chỉ ra rằng các cuộc đàm phán sẽ chỉ mang tính song phương, song Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab cho cuộc khủng hoảng ở Syria, Lakhdar Brahimi, cũng được cho là sẽ đến Geneva nếu hai bên cần những tham vấn của ông.

Chính quyền Syria đã chấp thuận đề xuất của Nga liên quan đến việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới quyền kiểm soát của các thanh sát viên quốc tế. Damascus nói rằng họ sẽ ký vào Công ước quốc tế về vũ khí hóa học và cam kết sẽ mở cửa cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về các kho vũ khí hóa học này.

Sáng kiến của Nga được đưa ra vào đầu tuần này đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền Mỹ, vốn trước đó đang thúc đẩy một cuộc tấn công quân sự hạn chế chống lại việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học hôm 21/8.

Hiện tại việc bỏ phiếu tại quốc hội về vấn đề này đã bị trì hoãn sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định “trao cơ hội” cho một giải pháp ngoại giao.

Mặc dù trong bài phát biểu trước toàn dân của mình ông Obama đã khẳng định việc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria là một trong những nhân tố chính thúc đẩy các giải pháp chính trị gần đây, ông thú nhận rằng “các tín hiệu tích cực” từ phía Nga hoàn toàn có thể là thật và ông cũng cam kết sẽ tiếp tục trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria.

Trong khi đó Nhà Trắng cảnh báo rằng việc tìm ra một giải pháp ngoại giao chung cho Syria có thể “rất mất thời gian”.

“Chúng tôi đang thể hiện trách nhiệm của mình trong vấn đề này thông qua việc xem xét mọi khả năng giúp giải pháp ngoại giao này thành công,” Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày./.