Ngày 8/8, Bộ Quốc phòng Nga đã bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng giữa Nga và Mỹ diễn ra ngày 9/8 sẽ mang “tính chất xây dựng” bất chấp một số vấn đề còn tồn tại cản trở mối quan hệ song phương giữa 2  nước.

usrussia1.jpg
Nga - Mỹ sẽ bàn thảo về các vướng mắc trong quan hệ song phương (Ảnh: Fotolia/ viperagp)

Ngày 9/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến sẽ tham gia vào hội đàm “2+2” với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Washington.

Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ tập trung vào một số điểm còn tồn tại trong quan hệ song phương như vấn đề phòng thủ tên lửa, căng thẳng gia tăng giữa 2 nước liên quan đến vụ Edward Snowden.

Trả lời trước báo giới, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nói: “Mặc dù có những diễn biến mới trong quan hệ Nga – Mỹ, chúng tôi hy vọng các cuộc hội đàm sẽ diễn ra trên tinh thần xây dựng và qua đó cho phép chúng tôi chuẩn bị các bước tiếp theo để tăng cường ổn định chiến lược”.

Tháng 11/2010, Nga và NATO đã đạt được thỏa thuận ban đầu để hợp tác xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trong kế hoạch của Mỹ ở Đông Âu. Nhưng các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Nga và NATO đã không tìm được tiếng nói chung vì NATO từ chối đảm bảo về mặt pháp lý rằng hệ thống phòng thủ sẽ không nhắm vào các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga.

NATO và Mỹ tuyên bố rằng hệ thống lá chắn tên lửa châu Âu được thiết kế để bảo vệ các nước thành viên NATO chống lại mối đe dọa tên lửa từ các quốc gia như Triều Tiên hay Iran, và hệ thống này sẽ không nhắm vào Nga.

NATO đã tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa bất chấp việc Nga có hợp tác hay không.

Tháng 3/2013, Mỹ đã tuyên bố sẽ thay đổi việc triển khai kế hoạch phòng thủ tên lửa ở Ba Lan, cắt giảm số trạm tên lửa đánh chặn SM-3 IIB ở nước này vào năm 2022.

Sau những động thái này, Nga cho rằng điều đó không giúp xoa dịu những lo ngại của họ về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu và khẳng định lại yêu cầu của họ là phải có những ràng buộc pháp lý để đảm bảo các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga sẽ không phải mục tiêu của hệ thống này./.