Theo AP, các quan chức quân đội Mỹ tuyên bố họ muốn Hải quân Nhật Bản có thể sớm được “cởi trói” để có thể đóng vai trò tích cực hơn tại Thái Bình Dương và giải quyết những căng thẳng đang diễn ra trong khu vực. 

binh_si_my_zqfd.jpgBinh sĩ Mỹ trên tàu sân bay USS Blue Ridge, tàu chỉ huy của Hạm đội số 7 của Mỹ (Ảnh AP)

Tư lệnh Hạm đội số 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Robert Thomas ngày 1/4 nhấn mạnh, ông mong chờ Quốc hội Nhật Bản sớm phê chuẩn việc diễn giải lại Hiến pháp vì hòa bình hiện nay để Hải quân Mỹ và Nhật Bản có thể hợp tác dễ dàng hơn trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua “các cuộc tập trận đa phương tại 2 khu vực này”. 

Đề xuất diễn giải lại Hiến pháp của Nhật Bản được coi là rất quan trọng đối với Washington bởi Nhật Bản là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản cũng đang mong muốn chuyển dịch ưu tiên về quốc phòng của mình từ khu vực phía Bắc của Nhật Bản giáp với Nga xuống khu vực Biển Đông, nơi Tokyo và Bắc Kinh đang vướng vào các cuộc tranh chấp căng thẳng liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

Hiện Nhật Bản cũng đang thiết lập một đơn vị đổ bộ gần giống như lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ để có thể phản ứng nhanh hơn đối với bất kỳ một cuộc tập kích nào nhằm vào nhóm đảo này. Ngoài ra, Nhật Bản cũng dự tính sẽ nâng cấp khả năng phòng không của mình thông qua việc sử dụng máy bay tàng hình F-35 và máy bay không người lái Global Hawk được mua từ Mỹ. 

Không chỉ có vậy, cả Mỹ và Nhật Bản đều đang hướng tới mục tiêu chiến lược chung là cho phép Nhật Bản tham gia vào lực lượng phòng vệ chung. Điều đó có nghĩa là Nhật Bản sẽ có quyền hỗ trợ các đồng minh của mình trong trường hợp các đồng minh này bị tấn công chứ không chỉ là trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công như hiện nay. 

“Nhật Bản có khả năng hiện diện tại các khu vực hải phận và và không phận quốc tế trên khắp toàn cầu và đây là một điều cực kỳ quan trọng”, Đô đốc Thomas nói.

“Việc có được quyền tham gia phòng ngự tập thể sẽ giúp Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản có thể hợp tác với các đối tác quốc tế, chứ không chỉ có Hạm đội số 7 của Mỹ, một cách linh hoạt hơn”, ông Thomas nói. 

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao độ để ngăn chặn máy bay nước ngoài xâm phạm không phận nước này, trong đó, số lượng máy bay của Trung Quốc đang gia tăng đáng kể. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã “mệt mỏi” với chính sách bành trướng của quân đội Trung Quốc, chính là người tích cực nhất trọng việc đề xuất nới lỏng những quy định giới hạn hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã có từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. 

Cả Tokyo và Washington đều muốn Nhật Bản có quyền đưa quân ra nước ngoài và có thể tham gia vào một loạt các hoạt động như các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo và các cuộc tập trận với nhiều đối tác khác nhau. 

“Có rất nhiều hoạt động mà chúng tôi không thể tiến hành cùng Hạm đội số 7 của Mỹ, chính vì thế chúng tôi hy vọng có thể thúc đẩy nhanh chóng việc thay đổi Hiến pháp vì hòa bình của mình”, Tư lệnh Hạm đội Nhật Bản, Phó Đô đốc Eiichi Funada cho biết. 

Ông Funada cho biết, Nhật Bản cực kỳ quan ngại về việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực trong những năm gần đây. 

“Các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc khiến chúng tôi buộc phải lưu tâm. Dù chưa rõ tầm quan trọng của các cuộc tập trận này đối với Trung Quốc, nhưng chúng tôi vẫn phải theo dõi chặt chẽ và tiếp tục thu thập thêm các thông tin tình báo”, ông Funada nói. 

Đồng tình với quan điểm của ông Funada, Đô đốc Thomas nhấn mạnh: “Việc quân đội Trung Quốc, nhất là lực lượng không quân của nước này tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của mình tại hải phận và không phận quốc tế là một điều tự nhiên đối với họ. Hải quân và Không quân Trung Quốc đang hoạt động rộng khắp trên toàn thế giới và Hải quân Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới, cũng sẽ làm như vậy”./.