Ngày 1/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, ông hy vọng đạt được sự tiến bộ đối với quy tắc ứng xử giải quyết tranh chấp hàng hải tại Biển Đông và đảm bảo ổn định khu vực.
Ngoại trưởng Kerry: Mỹ có lợi ích khi các vấn đề tranh chấp trên biển được giải quyết. (ảnh: Reuters) |
Theo Ngoại trưởng Kerry, Mỹ có lợi ích khi các vấn đề tranh chấp trên biển được giải quyết. Phát biểu sau cuộc họp với các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Brunei ngày 1/7, ông Kerry cho biết: "Là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, không bị cản trở thương mại và tự do hàng hải ở Biển Đông. Như chúng tôi đã nói, chúng tôi không có các tuyên bố chủ quyền tại các vùng lãnh thổ tranh chấp, song nếu các tranh chấp được giải quyết với sự tham gia của các bên liên quan thì điều đó sẽ mang lại lợi ích cho chúng tôi. Hy vọng các bên liên quan sẽ đạt được những tiến triển trong Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực quan trọng này".
Ông Kerry cũng nói đến lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải ở Biển Đông: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những hành động của chúng tôi không có ý định đem đến sự mất cân bằng đối với bất kỳ quốc gia nào. Cam kết của chúng tôi và cam kết của Tổng thống Obama đối với các nước khác, là một quốc gia Thái Bình Dương, chúng tôi chịu trách nhiệm với khu vực Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ hợp tác nghiêm túc và tiếp tục xây dựng sự hiện diện tích cực và lâu dài trong mọi lĩnh vực”.
Trước đó, ngày 30/6, các nhà ngoại giao hàng đầu Đông Nam Á khởi động diễn đàn lớn của khu vực tại Brunei, trong đó tập trung xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Các cuộc hội đàm kéo dài từ hôm qua đến ngày mai (2/7), với sự tham dự của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và các nước khác trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một số nhà ngoại giao nhận định, Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) nếu thất bại sẽ có thể dẫn đến nguy cơ xung đột trên Biển Đông.
Tại các cuộc thảo luận hôm qua, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario mô tả sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại các đảo nhỏ Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) là sự đe dọa các nỗ lực duy trì hòa bình trên biển cũng như ổn định trong khu vực. Trong khi đó, tờ Nhật báo Trung Quốc cảnh báo Philippines rằng, thách thức của Manila có thể dẫn đến hành động khiêu khích của Trung Quốc.
Phát biểu trước thềm hội nghị năm nay, Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa khẳng định tầm quan trọng của sự đồng thuận trong ASEAN vào lúc này, đồng thời cho biết, ASEAN sẽ thúc giục Trung Quốc nhanh chóng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)./.