Sáng 30/6, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thường niên ASEAN lần thứ 46 (AMM 46) chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Begawan, Brunei. Sau phiên khai mạc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tiến hành phiên họp kín để thảo luận về những vấn đề của khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, lập trường và phản ứng như thế nào của các nước ASEAN đối với Trung Quốc về Biển Đông được xem là vấn đề trọng tâm sẽ được thảo luận tại Hội nghị lần này.Trước đó, Ngoại trưởng các nước ASEAN trong bữa tiệc tối ngày 29/6, cũng đã trao đổi ý kiến về vấn đề quyền lãnh hải quanh khu vực Biển Đông mà Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp. Phía ASEAN tiếp tục nhấn mạnh lập trường hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) là cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình. Cũng trong phiên thảo luận ngày 30/6, các Bộ trưởng cũng đề cập đến tình hình Triều Tiên, tình hình khói bụi ở Indonesia và xem xét các văn kiện chung của ASEAN – AMM 46. Trong ảnh: Trung tâm Hội nghị Quốc tế Begawan, Brunei - nơi diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 46 (Ảnh: Reuters). |
Ngày 26/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khởi động chuyến thăm 8 ngày tới châu Phi nhằm tái khởi động các cam kết của Mỹ với lục địa đen này. Đây là chuyến thăm lần thứ 2 của ông Barack Obama tới châu Phi trên cương vị Tổng thống Mỹ, với ba điểm dừng chân là Senegal, Nam Phi và Tanzania. Chính phủ Nam Phi đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Obama là “lịch sử”. Mỹ hiện là đối tác lớn của Nam Phi trong các lĩnh vực thương mại, du lịch, đầu tư, công nghệ. Hiện có 600 công ty Mỹ làm ăn tại Nam Phi và tuyển dụng hơn 150.000 lao động địa phương.Trong chuyến thăm Nam Phi, ngày 29/6, Tổng thống Barack Obama đã gặp gỡ với gia đình cựu Tổng thống Mandela. Trong buổi gặp gỡ 2 con gái và 8 người cháu của ông Mandela, Tổng thống Mỹ đã gửi lời động viên tới toàn thể gia đình và hy vọng ông Mandela sớm hồi phục.Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc gặp với Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma (Ảnh: AP). |
Tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang ở thăm Trung Quốc diễn ra chiều 27/6, tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Hàn Quốc và Trung Quốc nhất trí sẽ củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác đối tác chiến lược, đồng thời sẽ cùng nhau nỗ lực nhằm thực hiện việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Kết thúc hội đàm, Trung Quốc và Hàn Quốc đã ra tuyên bố chung. Theo đó, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ tăng cường trao đổi chiến lược trong lĩnh vực chính trị và an ninh, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giao lưu nhân dân... Có thể thấy, trong chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như tương lai mối quan hệ Trung- Hàn không chỉ đối với hai nước mà còn đối với khu vực. Vì thế, nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Park Geun-hye không chỉ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho quan hệ hai nước, mà còn góp phần không nhỏ nhằm củng cố hòa bình tại khu vực Đông Bắc Á. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại cuộc hội đàm diễn ra ở Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Ngày 28/6, đảng Tự do và Công lí của Tổng thống Ai Cập Mohammad Mursi cùng hơn chục đảng Hồi giáo khác tại Ai Cập đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn tại thủ đô Cairo, nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Mursi và đáp lại chiến dịch biểu tình quy mô lớn chống Tổng thống mà phe đối lập dự định tổ chức vào ngày 30/6 - ngày kỉ niệm 1 năm lên cầm quyền của Tổng thống Mursi. Đụng độ nghiêm trọng giữa hai bên đã xảy ra tại nhiều địa phương, khiến ít nhất 2 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Trong đó, nghiêm trọng nhất là cuộc đụng độ tại Alexandria, thành phố cảng lớn nhất phía bắc Ai Cập. Những người phản đối Tổng thống Mursi đã tấn công trụ sở của đảng Tự do và Công lí, bắn chết một người biểu tình ủng hộ Tổng thống và đâm chết một phụ nữ mang quốc tịch Mỹ. Hơn 80 người khác đã bị trọng thương. Diễn biến bất ổn Ai Cập đã khiến nhiều nước lên tiếng bày tỏ sự lo ngại. Tổng thống Barack Obama ngày 29/6 kêu gọi các lực lượng đối lập đang phát động biểu tình tại Ai Cập "tránh những hành động bạo lực". Ông Obama cho rằng, bất ổn tại Ai Cập có thể lan rộng và gây ảnh hưởng tới cả khu vực, đồng thời kêu gọi các bên tại Ai Cập hướng tới đàm phán mang tính xây dựng để giải quyết tình hình đất nước. Dù mới đi được 1/4 chặng đường trong nhiệm kỳ 4 năm làm Tổng thống, nhưng với một nền chính trị bế tắc, bất ổn an ninh lan rộng, sự phân cực sâu sắc trong xã hội cùng nền kinh tế khủng hoảng trong một năm cầm quyền, khiến vị trí của ông Mursi đang bị lung lay một cách nghiêm trọng.Trong ảnh: Hàng ngàn người Ai Cập biểu tình chống chính phủ tại Alexandria (Ảnh: Reuters). |
Vụ cựu nhân viên cơ quan tình báo Mỹ Edward Snoden - người đang bị Mỹ truy lùng một cách gắt gao nhất - được cho là đang ẩn náu tại nhà chờ một sân bay ở Moscow (Nga) tiếp tục là tâm điểm chú ý của dư luận tuần qua và cũng có thể là nguyên nhân khiến quan hệ Mỹ - Nga - Trung căng thẳng. Theo NY Dailynews, xuất hiện trên “Today” hôm 28/6, Lonnie Snowden - cha của Edward Snowden cho biết, ông vừa gửi một bức thư tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Eric Holder đề nghị cho Edward được trở về nhà. Cha của Edward Snowden cũng bảo vệ con mình khi bác bỏ các cáo buộc rằng hành động của Edward Snowden là phản quốc. Kể từ khi Edward Snowden, người tiết lộ những hoạt động theo dõi bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA ngay khi đang ẩn náu tại Hong Kong, rồi sau đó lại rời Hong Kong sang Nga, chính phủ Trung Quốc kiên quyết không đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc này. Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc đứng ngoài cuộc vụ Snowden là cách giải quyết khôn ngoan nhất. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin trong một phát biểu ngày 25/6 cho biết, Snowden đang có mặt tại một sân bay ở Moscow nhưng Nga hoàn toàn không có ý định dẫn độ Snowden về Mỹ. Giới phân tích cho rằng, vụ Snowden không chỉ gây căng thẳng nội bộ Mỹ mà còn đang gây ra những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Nga. Trong ảnh: Cựu nhân viên cơ quan tình báo Mỹ Edward Snoden (ảnh nhỏ) được cho là vẫn đang ẩn náu tại sân bay ở thủ đô Moscow (Ảnh: Reuters). |
Các quốc gia phương Tây và Arab ngày 22/6 đã nhất trí cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho phe đối lập Syria, nhằm giúp lực lượng này chống lại các cuộc tấn công của lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad. Quyết định này được đưa ra tại Hội nghị nhóm "Những người bạn của Syria" diễn ra tại thủ đô Doha, Qatar ngày 22/6.Ngay sau khi Mỹ cáo buộc chính quyền al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học và quyết định viện trợ quân sự trực tiếp cho quân nổi dậy ở Syria, giới phân tích lo ngại động thái này có thể làm gia tăng sức mạnh cho các phần tử từng tuyên bố trung thành với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Điều đáng lo ngại là nhiều vũ khí hiện đại có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố.Trong khi đó, tiến trình hòa bình cho Syria cũng "vấp" phải bế tắc mới. Cuộc họp kín giữa các quan chức của Liên Hợp Quốc, Nga và Mỹ để bàn về công tác trù bị cho Hội nghị Geneva về Syria ngày 25/6 kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể nào.Hiện hai cường quốc Nga-Mỹ vẫn chưa nhất trí về việc khi nào thì Hội nghị sẽ diễn ra và những nước nào sẽ được mời tham dự. Trong ảnh: Phe đối lập tại Syria sẽ được trang bị vũ khí hiện đại hơn để chiến đấu với quân đội chính phủ Syria (Ảnh: Reuters). |
Sáng 27/6, tại thủ đô Canberra, ông Kevin Rudd đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Australia trước sự chứng kiến của Toàn quyền Australia Quentin Bryce. Toàn quyền Quentin Bryce đã chúc ông Kevin Rudd phục vụ tốt cho người dân Australia. Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Kevin Rudd diễn ra sau khi ông giành chiến thắng trước Thủ tướng Julia Gillard trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo Công Đảng cầm quyền vào tối 26/6. Đây là lần thứ hai ông Kevin Rudd làm Thủ tướng Australia. Trước đó, ông đã lãnh đạo Công Đảng cầm quyền và làm thủ tướng trong thời gian từ tháng 12/2007-6/2010. Trong ảnh: Tân Thủ tướng Australia Kevin Rudd (trái) và Toàn quyền nước này (Ảnh: AP). |