Kể từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm 2017, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã dành nhiều tâm huyết cho hồ sơ này, coi đây là phép thử cho chiến lược “gây sức ép tối đa”, mà chính quyền Mỹ sử dụng khá thường xuyên thời gian gần đây.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Ảnh: Reuters. |
Theo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 26/9/2018 trong khuôn khổ kỳ họp hàng năm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, Mỹ.
Khi được hỏi về sự tham dự của Tổng thống Iran Hassan Rohani, bà Nikki Haley khẳng định, nhà lãnh đạo Iran có quyền tham dự sự kiện này. Ngày 25/9/2018, Tổng thống Rouhani sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ngay sau các phát biểu của những người đồng cấp Mỹ và Pháp.
Theo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, thật khó tìm thấy nơi nào trên thế giới mà Iran không can dự vào một cuộc xung đột. Mục đích của cuộc họp không phải nhằm tìm kiếm một kết quả cụ thể, mà chủ yếu là để cho Iran ý thức được rằng, thế giới luôn “quan sát” những hành vi gây bất ổn của nước này.
“Tổng thống sẽ chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và chủ đề sẽ là vấn đề Iran. Đây sẽ là câu trả lời cho những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và gây bất ổn nói chung của Iran tại Trung Đông.”
Từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền hồi đầu năm 2017, Iran luôn nằm trong tầm ngắm của Mỹ. Nước này nhiều lần cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo có những “hành vi gây hại” không chỉ cho khu vực, mà cả thế giới như tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, phát triển tên lửa đạn đạo, hỗ trợ khủng bố hay tham vọng bành trướng tại Trung Đông,…
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dành để thảo luận về chương trình làm việc của Mỹ trong tháng 9 này, Đại sứ Nga đã đứng dậy để phản đối việc tiến hành một cuộc họp đặc biệt về Iran. Theo phó Đại diện Nga tại Liên Hợp Quốc Dimitri Polyanski, một cuộc họp như thế chỉ có thể được tổ chức trong khuôn khổ nghị quyết phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức). Nếu phải tổ chức, thì cuộc họp về Iran phải nói về những hậu quả từ quyết định đơn phương của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Trên thực tế, bước đi của Mỹ đã tạo ra một vết rạn lớn trong quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, đe dọa làm đổ vỡ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran.
Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng một lần nữa nhấn mạnh điều này: “Chủ nghĩa đa phương đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn, ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động ngoại giao của chúng ta và điều này chủ yêu bắt nguồn từ chính sách của Mỹ. Những hoài nghi đối với NATO, các chính sách thương mại đơn phương dẫn đến những căng thẳng thương mại với Trung Quốc, châu Âu và một số nước khác, quyết định rút khỏi hiệp định khí hậu Pari hay từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran đã gây ra nhiều tác động tiêu cực. Các đối tác mà châu Âu đã xây dựng trật tự đa phương sau chiến tranh dường như cũng đang quay lưng lại với lịch sử chung này.”
Theo các nhà phân tích, Iran sẽ chỉ là một trong rất nhiều những hồ sơ dự báo sẽ gây tranh cãi trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 9/2018 của Mỹ. Trong một dấu hiệu đầu tiên chứng minh cho nhận định này, ngay sau khi tiếp nhận vai trò từ Anh, Mỹ đã đề xuất tổ chức một loạt cuộc họp gây tranh cãi như cuộc họp dự kiến trong ngày hôm nay về tình hình tại Nicaragua, cuộc họp vào ngày 7/9/2018 về tình hình Syria hay cuộc họp vào ngày 10/9/2018 về vấn đề Venezuela./.